Giáo dục lỏng lẻo, nhân cách sẽ trôi về đâu?
Nếu thầy cô không cúi xuống nhặt từng cái rác ở sân trường thì khó có thể yêu cầu học trò tự giác, gương mẫu bảo vệ môi trường. Nếu cha mẹ chỉ lao đầu vào kiếm tiền, ít dành thời gian cho con, sao dám mong con sẽ sống tình cảm, biết sẻ chia, gần gũi?
Nhìn thực trạng hiện nay, đạo đức học sinh cả thành thị và nông thôn đang bị xuống cấp. Thi thoảng trên báo đài, mạng xã hội lại xuất hiện những clip học sinh đánh nhau, có khi là thầy đánh trò hoặc trò “phản pháo” lại thầy. Phải chăng đó là hệ quả nhãn tiền của một nền giáo dục chú trọng kiến thức sách vở, những điểm số, những danh hiệu mà bỏ mặc, xem nhẹ nhân cách, đạo đức?
Giáo dục không phải là thị trường, dĩ nhiên không thể thiếu những chuẩn mực sống, chuẩn mực đạo đức. Lâu nay, người ta cứ mải mê với cái đích thành tích mà quên định hướng, bồi đắp, xây dựng và uốn nắn nhân cách, tâm hồn cho người trẻ ngay từ bé?
Cha mẹ - những người thầy không cầm phấn
Giáo dục đạo đức, giáo dục tự lập không thể bắt nguồn từ lối yêu thương mù quáng của mẹ cha. Đứa trẻ sẽ mãi “vắt mũi chưa sạch” nếu những bà mẹ vẫn còn hồn nhiên đút cho con từng miếng cơm, lấy cho con từ đôi tất hay sẵn sàng nai lưng đẩy xe dưới mưa trong khi đứa con lớn tướng vẫn ngồi chễm chệ trên xe… Không quét nổi cái nhà, không nấu nổi một bữa cơm dù đã học cấp 3 thì giỏi để làm gì, thành tích có bù đắp nổi không, có giúp các em thành công được hay không?
Ảnh: Hải An |
Khi mà nhiều người cứ nghĩ bỏ tiền ra để con đến trường là hết nghĩa vụ, rằng họ sẵn sàng “bán khoán” con cho thầy cô với hy vọng con sẽ trở thành đứa con ngoan, một trò giỏi, một người có ích cho xã hội mà không cùng chung tay giáo dục thì đó là điều ảo tưởng, huyễn hoặc chính mình. Con hư, phụ huynh thường đổ lỗi cho nhà trường. Nhưng thực tế giáo dục trong gia đình làm nên phần lớn nhân cách của người trẻ.
Rất nhiều bạn trẻ tỏ ra rất ngoan ngoãn, hiền lành, lễ phép với bố mẹ nhưng lại có thể nổi loạn khi ở trường, ở lớp, ở ngoài xã hội và cả trên mạng xã hội. Cũng có nhiều bạn trẻ học giỏi, nhiều thành tích ở lớp nhưng lại vô cảm, thờ ơ với chính những người thân của mình.
Hiền lành, lễ phép ở nhà nhưng ra ngoài nhiều em sẵn sàng đánh nhau với bạn chỉ vì những xích mích, hiểu lầm, nghi kỵ nhau hoặc tỏ ra coi thường những người nghèo khó. Họ đang tự biến mình thành những người trẻ rúm ró, méo mó về tâm hồn và nhân cách lúc nào chẳng hay.
Nhân cách chưa đầy đủ, bản lĩnh chưa vững vàng, kỹ năng sống thiếu hụt, cha mẹ sao có thể yên tâm khi con bước vào đời? Nếu chúng ta không muốn nhào nặn đứa con thành những công dân vô cảm, hời hợt, thờ ơ thì tại sao không giúp con nhận thức được tầm quan trọng của đạo đức, lối sống lành mạnh? Đừng nên chỉ biết phó thác trách nhiệm cho nhà trường để rồi nếu con hư hỏng lại quay ra chỉ trích nhà trường, thầy cô.
Đừng biến con trở thành những con robot
“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”, thay vì biến các em thành những con robot được lập trình sẵn, những cái máy học, trước tiên giáo viên không thể là thầy giảng, thợ dạy.
Thầy cô phải giúp các em biết nói lên suy nghĩ và quan điểm của mình chứ không phải học không biết mệt mỏi, học quên ăn quên ngủ. Các em học để thành công, để hạnh phúc chứ không phải học để rồi trở thành những công dân thụ động, không biết tự bảo vệ mình.
Ảnh minh họa. |
Không ít cha mẹ mải miết chạy theo môn toán, môn ngoại ngữ mà quên đi những bài học giáo dục công dân, bài học về nhân cách. Làm sao để các em có trách nhiệm với bản thân? Làm sao để đánh thức tình yêu thương ở mỗi con người?
Nếu thầy cô không cúi xuống nhặt từng cái rác ở sân trường thì khó có thể yêu cầu và kỳ vọng học trò sẽ là những người tự giác, gương mẫu bảo vệ môi trường. Nếu cha mẹ chỉ lao đầu vào kiếm tiền, ít dành thời gian cho con, sao dám mong con sẽ sống tình cảm, biết sẻ chia, gần gũi? Nếu cứ chăm chăm nhồi nhét kiến thức mà không trang bị đạo đức, nhân cách cho con trẻ, thì các em dễ bị “què quặt” nhân cách về lâu dài.
Lâu nay người ta vẫn kêu ca số lượng giờ giảng về nhân cách con người, về đạo đức quá ít ỏi, vẫn còn sách vở, máy móc, chưa thực tế. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, mỗi đứa trẻ đã được học những bài học trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng từ những câu chuyện thực tế hay chưa? Đến bữa ăn tối với cha mẹ, con còn không được ăn thử hỏi làm sao để con có thể gần gũi, quan tâm đến người thân của mình?
Muốn giáo dục được nhân cách của học sinh thì chính những người giảng dạy, người quản lý giáo dục phải tự xây dựng chuẩn đạo đức cho chính mình. Bởi thầy cô chuẩn mực mới mong học trò tròn trịa về nhân cách.
Ảnh minh họa. |
Đất nước Nhật Bản được cả thế giới khâm phục không chỉ vì sự phát triển kinh tế trong thời gian ngắn mà còn vì nhân cách của con người. Người ta được ca ngợi Nhật Bản từ những điều giản dị như một đứa trẻ biết xếp hàng, một ông chủ cây xăng đứng chào khách hàng. Trẻ em Nhật được giáo dục đạo đức ngay trong các hoạt động hàng ngày. Với họ, trẻ thông minh, học giỏi là một điều tốt, nhưng quan trọng hơn là cần có nhân cách tốt. Hàng ngày, các bậc cha mẹ Nhật Bản hình thành những thói quen tốt cho con, tôn trọng con.
Còn người Mỹ dạy con sự tự chủ, độc lập từ nhỏ bằng những việc giản đơn hàng ngày như tự mặc quần áo, tự xúc cơm ăn, tham gia các hoạt động ngoại khóa từ bé mà không có cha mẹ ở bên cạnh. Các bậc phụ huynh Thụy Điển không dùng đòn roi để dạy con mà bằng lời nói. Từ đó, cha mẹ và con cái có thể chia sẻ với nhau, bày tỏ quan điểm với nhau bằng ngôn ngữ.
Còn nước ta thì sao? Ngoài việc đặt ra mục tiêu giành cho được nhiều giải thưởng, phải đứng top đầu của lớp trường, vào được trường chuyên, lớp chọn, vào được những trường đại học danh tiếng, cha mẹ có bao giờ tôn trọng trẻ, xem con thích gì, muốn gì? Chúng ta đang ép trẻ đi học thêm kiến thức nhiều, vớt vát chút kỹ năng bằng những khóa học ngắn ngủi ngày hè. Tuy nhiên, kỹ năng sống phải được học từ bé, ngay từ trong cuộc sống chứ chẳng phải đâu xa.
Dân tộc ta vốn là dân tộc trọng đạo, nhất là đạo thầy trò. Nhưng vì nhiều lý do, nhân cách của một bộ phận giới trẻ đang bị xuống cấp, vị trí của người thầy cũng đang bị xem nhẹ, đạo lý thầy trò chưa được nhìn nhận xứng đáng, tình người cũng đang mờ nhạt dần. Để giới trẻ không chấp nhận, thỏa hiệp với sự vô cảm, biết đấu tranh vì lẽ phải thì giáo dục phải được đứng trên sự công bằng, chuẩn mực. Bởi giáo dục lỏng lẻo, nhân cách sẽ trôi về đâu?
https://eva.vn/tin-tuc/giao-duc-long-leo-nhan-cach-se-troi-ve-dau-c73a337421.html
Post a Comment