Header Ads

Đáy đại dương bắt đầu lún xuống dưới sức nặng của băng tan

Ước tính về mức nước biển dâng lên không chỉ dựa trên sự đo lường trên bề mặt mà còn phải dựa vào tính toán về độ lún của đáy đại dương.



Các chuyên gia cảnh báo rằng việc đo lường và dự đoán mực nước biển dâng lên trong hàng thập kỉ có lẽ đã đánh giá không đúng phạm vi vấn đề, vì các nhà khoa học không tính đến những ảnh hưởng nghiêm trọng của các đại dương đang ngày càng mở rộng.
Điều mà những đánh giá hiện tại về mực nước biển dâng đã không tính đến là khi tổng khối lượng nước đại dương tăng lên do băng và sông băng tan, thì thể trọng của tất cả lượng nước tăng thêm đó sẽ dồn xuống đáy đại dương đang đàn hồi lún dần, làm biến dạng đáy biển – và che đậy việc lượng nước biển đang thật sự tăng cao đến đâu.
Nhà địa chất học Thomas Frederickse đến từ Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan nói với tờ Earther: “Bản thân Trái Đất không phải là một trái cầu cứng, nó là một trái bóng biến dạng”.
“Với việc biến đổi khí hậu, không chỉ có nhiệt độ là thay đổi”.
Theo Frederikse và các đồng sự của ông, các chỉ số cho thấy khi đáy đại dương lún xuống, lượng nước biển dâng lên thật sự - gọi là tổng mức nước biển dâng ở các đại dương – đã bị che giấu khỏi việc đo lường dựa trên sự quan sát vệ tinh.
Đó là vì các số liệu của vệ tinh chỉ cho chúng ta biết một mặt của vấn đề: mực nước biển dâng ở tâm địa cầu, như quan sát trên bề mặt.
Trong một báo cáo mới, các nhà nghiên cứu giải thích: “Bởi vì vệ tinh đo độ cao quan sát mực nước biển trong một khung tham chiếu tâm địa cầu, những ước tính mực nước biển trung bình toàn cầu qua việc đo độ cao sẽ không quan sát được sự dâng lên của khối lượng nước biển vì đáy đại dương bị lún xuống, và do vậy, có lẽ những ước tính này đã đánh giá không đúng mực nước biển trung bình dâng lên toàn cầu”.

Để xác định đáy biển đang bị biến dạng ở mức nào dưới trọng tải tăng thêm của băng tan, các nhà nghiên cứu đã sử dụng rất nhiều ước tính về tổng khối lượng nước sụt giảm từ các sông băng, băng ở Nam Cực và Greenland, và lượng nước dự trữ trên đất liền, bao gồm sự cạn kiệt nguồn nước ngầm và việc tích trữ nước ở các đập nước.
Trong khoảng hai thập kỉ vừa qua (thời kì 1993-2014), các nhà nghiên cứu tính toán sự gia tăng của tổng tải trọng đại dương đã làm đáy biển lún xuống khoảng 0,13mm mỗi năm, tức là tổng cộng khoảng 2,5mm trong quãng thời gian này.
Con số này nghe có vẻ không lớn, nhưng ở một vài vùng, mức độ lún lớn hơn khá nhiều - lên tới 1mm mỗi năm ở Bắc Bắc Dương, và 0,4mm mỗi năm ở Nam Thái Bình Dương.
Nói chung, các nhà nghiên cứu cho biết những đánh giá về mực nước biển dâng từ vệ tinh trong thời gian qua có lẽ đã đánh giá không đúng tổng mức nước biển dâng trên các đại dương khoảng 8% - đây chắc chắn là điều chúng ta cần phải suy ngẫm trong tương lai, nhất là biến số ẩn này sẽ chỉ trở nên quan trọng hơn khi thế giới đang nóng lên và mực nước biển dâng cao.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Trong tương lai khi khí hậu ấm lên, mực nước biển dâng lên do băng tan sẽ tăng lên, và do đó, độ lớn của độ nghiêng do biến dạng đáy biển đàn hồi sẽ tăng lên”.
“Để tăng độ chính xác của việc ước tính mực nước biển, cần phải tính toán cẩn thận ảnh hưởng của sự biến dạng đáy biển, dù dựa trên các ước tính về sự thay đổi đại dương theo mô hình như đã tiến hành trong nghiên cứu này, hay sử dụng nhiều hơn các quan sát trực tiếp”.
http://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/day-dai-duong-bat-dau-lun-xuong-duoi-suc-nang-cua-bang-tan-20180109082820315.htm

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.