Nhà văn và trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà?
Thông thường, với bất kỳ tổ chức nghề nghiệp
nào, bên cạnh những công việc của chính mình trong đó không thể không nói đến
thế hệ kế cận, người ta thường không bao giờ quên bàn đến nền giáo dục nước
nhà. Vậy nhưng với các sự kiện của các tổ chức Hội Nhà văn từ trung ương tới
địa phương thì dường như vấn đề này lại không hề được bàn tới.
Nỗi sợ học văn của... số đông
Với số đông học
sinh các cấp học phổ thông, toán và văn là hai môn quan trọng nhất với thời lượng
tiết học cũng là lớn nhất. Điều đó cho thấy, cả thày và trò đều phải tập trung
nhiều thời gian và trí tuệ cho hai môn học này.
Đương nhiên, toán
học không phải là môn dễ và không thể thi qua ngưỡng bằng cách học thuộc mà phải
nắm vững các kiến thức cần thiết để giải được các bài tập. Với môn văn, cái khó
với rất nhiều người là ở chỗ không biết viết thế nào và không dễ gì viết dài
được. Với bài làm của môn văn, người ta thường cho phép để lề to hơn bình thường.
Vậy mà cũng không dễ gì để các em có thể viết kín được cả 4 mặt giấy.
Tình trạng
chung của không ít học sinh là cố gắng để đánh vật xung quanh điểm 5 tức là lúc
được 4, khi được 6 và làm thế nào cân bằng được ở giữa. Tuy nhiên, bài văn viết
thường là hệ số 2 nên muốn cân bằng thì kết quả cho các bài kiểm tra miệng, ngữ
pháp, 15 phút... cũng phải dư gấp đôi. Không đạt được điều đó thì cũng có nghĩa
là không đủ tiêu chuẩn học sinh tiên tiến dù rằng điểm toán và các môn tự nhiên
có cao đến đâu.
Vì sao môn văn
lại khó học vậy? Mà đâu phải vì học sinh của chúng ta không yêu thích văn học.
Thực tế, hễ cứ có một cuốn tiểu thuyết hay thì cả lớp vẫn truyền tay nhau đọc đến
nát cả ra. Rồi cứ có một bộ phim hay trên truyền hình thì cũng dán mắt vào xem
và cũng kéo nhau ra rạp với những bộ phim mới. Và rồi tất cả cũng rất giỏi bình
luận về các tác phẩm văn học, điện ảnh đó. Thế nhưng, không hiểu sao với các đề
bài văn trong chương trình ở trường thì để vượt qua ngưỡng trung bình vẫn cứ không
dễ với số đông.
Bước vào kỳ thi
tốt nghiệp THPT thì đó cũng lần cuối cùng phải làm một bài văn theo như không ít
học sinh cho biết. Đã có người reo to lên vì sung sướng khi họ đã hoàn thành chương
trình phổ thông. Điều đó có nghĩa là đã thoát nạn với môn văn và từ đó về sau,
không còn phải lo đánh vật với nó nữa.
Vì đâu?
Có rất nhiều
nguyên nhân cho thực trạng này và theo một giáo viên chuyên toán đã từng làm một
việc động trời năm 2007 với cuộc thi giải đề thi đại học cho 5 học sinh lớp 6
thì toán học dù khó đến đâu cũng thấy được những công thức, định, lý, tiên đề...
hết sức rõ ràng. Tuy nhiên, với môn văn vấn đề lại không phải như vậy. Theo giáo
viên này, dạy văn là để giúp học sinh hình thành nhân cách, tâm hồn... và thiết
thực hơn là biết cách trình bày, diễn giải bằng lời lẽ, chữ nghĩa cho những việc
cần phải làm.
Vậy nhưng, qua
hết cả chương trình phổ thông, rồi sau đó là đại học, rất nhiều sinh viên tốt
nghiệp ra vẫn viết sai chính tả. Thậm chí không biết cách viết cho nên hồn một
bản lý lịch tự thuật, một lá đơn xin việc chứ chưa nói đến những việc lớn hơn
theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Rõ ràng, những tư duy cho rằng vào đại học về
khối xã hội thì quên được toán, lý và vào khối tự nhiên thì quên văn sử... thì
cả hai cách nghĩ này đều sai. Giỏi toán là để có tư duy logic trong công việc và
học văn theo đúng nghĩa cần học (chứ không gọi là giỏi) là để biết cách diễn đạt
bằng lời, bằng chữ với những điều cần phải trình bày.
Xem ra, đây chính
là câu chuyện nan giải của nền giáo dục. Thực tế là không ít người tốt nghiệp đại
học về ngoại ngữ mà khi tham gia công việc vẫn không đạt được kết quả như mong
muốn của nhà tuyển dụng cũng như đối tác. Lý giải về nguyên nhân của chuyện này,
một phiên dịch cao cấp cho rằng có lẽ vì những người này chưa thạo tiếng Việt.
Vì thế, những đề án và kế hoạch về đào tạo ngoại ngữ của ngành giáo dục có lẽ
khó đạt được kết quả như mong muốn nếu như việc dạy văn trong chương trình không
được cải tiến.
Có một thực tế
của không ít nhà báo là bản thân họ khi còn học phổ thông cũng không hề giỏi văn,
thậm chí cũng phải vất vả để đạt điểm trung bình. Thậm chí, không ít nhà văn,
nhà thơ khi đi họp phụ huynh cũng thường bị giáo viên chê trách là tại sao họ lại
để con cái học kém văn đến thế. Và trước những lời chê trách đó, các nhà văn này
cũng chỉ đành thở dài... ngao ngán. Ngao ngán vì chương trình học của môn văn có
lẽ thiếu tính thiết thực, thậm chí quá ư kỳ vọng vào những hoài bão lớn lao và
cả chuyện... áp đặt tư duy của người lớn. Áp đặt vì cô giáo cứ khen bài của em
này, em kia.... người lớn lắm. Và thế là... hỏng!
Vậy thì các nhà
văn đã thực sự làm gì cho nền giáo dục hay rằng họ mới chỉ góp phần bồi dưỡng các
tài năng văn học theo các chương trình hợp tác với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh mà thôi. Phải chăng đó không phải là trách nhiệm của.Hội Nhà
văn với đông đảo những công dân tương lai!
Nguyễn Đức Hoàng
Post a Comment