Header Ads

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Việc xây dựng Luật An ninh mạng là không khả thi ngay từ đầu


Xung quanh dự thảo Luật An ninh mạng đang được Bộ Công an xây dựng để trình Quốc hội hiện có rất nhiều tranh cãi. Tham dự hội thảo về dự thảo luật này do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức chiều 21/11/2017, luật sư Nguyễn Tiến Lập – thành viên điều hành văn phòng luật sư Quang & Cộng sự đã trao đổi một số ý kiến.

Trước hết xin ông cho biết về một số điểm còn chưa hợp lý của dự thảo Luật An ninh mạng.
Dự thảo Luật An ninh mạng theo tôi còn có nhiều bất cập. Đầu tiên là việc xác định đối tượng điều chỉnh của luật còn không rõ và mục tiêu của luật cũng không rõ. Do đó, nó tạo nên sự nghi ngại thậm chí hoang mang trong xã hội, đặc biệt là với các doanh nghiệp, sau đó là đến các luật sư. Tôi nói là không rõ là trên góc độ của luật sư thì luật này đang chồng chéo với nhiều luật khác. Ví dụ như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp là liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, bảo vệ quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Nó chồng chéo lên Luật Dân sự liên quan đến quyền của các tổ chức và cá nhân. Ví dụ như quyền bảo vệ danh dự uy tín, quyền bảo vệ riêng tư, bí mật thông tin cá nhân… Và nó còn chồng chéo với Luật Xử phạt Hành chính mà trong đó, nếu mà anh vi phạm luật pháp ở mức độ vừa phải thì đã có chế tài xử phạt rồi. Nó cũng chồng chéo với Luật Hình sự đã định danh có 10 tội danh rồi thì không thể tạo thêm một cái tội danh nào khác nữa. Tức là nó chồng chéo với rất nhiều vấn đề. Và đương nhiên, không thể không nói đến Luật An toàn Thông tin mạng đã có hiệu lực mấy năm nay.
Hai nữa là dự thảo Luật An ninh mạng phải nói đến an ninh quốc gia. Nhưng an ninh quốc gia là quan trọng nhất là cái thì phải chỉ ra là Nhà nước phải bảo vệ hạ tầng cơ sở mạng hay là hệ thống thông tin mạng. Bởi vì sao? Các đối tượng phá hoại đương nhiên là dùng các biện pháp công nghệ để tấn công và chúng ta không thể dùng luật để chống lại công nghệ được mà phải sử dụng chính công nghệ để bảo vệ hệ thống. Dự thảo luật này không thể giải quyết được câu chuyện đó mà chỉ hạn chế một số quyền của tổ chức, doanh nghiệp và công dân thôi. Vì vậy, tôi nghĩ dự thảo Luật An ninh mạng hiện không rõ sự đóng góp của nó với nền kinh tế là cái gì cả.

Có một số ý kiến cho rằng nên tích hợp Luật An ninh mạng vào Luật An toàn Thông tin mạng hiện hành. Ông nghĩ gì về những đề xuất đó?
Nếu chúng ta cần bổ sung vào luật pháp hiện hành về vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia trên mạng thì phương pháp tích hợp vào một luật liên quan đã sẵn có là khả thi nhất và nên làm. Không nên có thêm một luật nữa để gây chồng chéo. Sự chồng chéo này sẽ làm vô hiệu hoá việc thực thi pháp luật. Thêm ra một luật mới chỉ dẫn đến sự triệt tiêu lẫn nhau giữa các luật. Tôi nghĩ, việc xây dựng riêng Luật An ninh mạng là không khả thi ngay từ đầu.

Theo nhiều ý kiến tại hội thảo thì luật pháp được xây dựng không phải là để nhà nước nắm chặt quản lý mà phải là tạo điều kiện cho doanh nghiệp và xã hội phát triển. Theo ông, việc xây dựng luật pháp nói chung phải như thế nào?
Tôi nghĩ, riêng về lĩnh vực an ninh mạng thì Nhà nước không cần ban hành thêm một cái luật nào nữa mà chỉ cần ban hành một số quy định xác định rõ là những cơ quan nào của Nhà nước chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng. Tiếp đó là phải có nguồn lực về tài chính để bảo đảm là chúng ta sẽ có những công nghệ cao nhất được cập  nhật để chống lại các nguy cơ về tội phạm mạng, tấn công mạng và chiến tranh mạng. Và thứ ba là có một cơ chế huy động nhân tài về CNTT ở trong nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp CNTT để có năng lực ứng phó với tấn công mạng, chiến tranh mạng. Đấy mới là mục tiêu của chính sách và chính sách đó mới cần được thể chế trong một dự luật nào đó để phục vụ mục tiêu về an ninh mạng.


Xin cám ơn ông!

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.