Header Ads

Trải nghiệm thực tế công nghệ chế tạo vệ tinh

Mới đây tại Hà Nội, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phối hợp với Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội CanSat 2017-2018 với chủ đề: “Giám sát chất lượng tầng không khí”.
Cansat - hay còn gọi là vệ tinh trong vỏ lon nước - là mô hình mô phỏng thực tế vệ tinh trên quỹ đạo, được sử dụng cho nhiều mục đích giáo dục khác nhau. Khối lượng của Cansat nằm trong khoảng 1kg, được tích hợp trong một khung cấu trúc nhỏ, có kích thước bằng một lon nước. Quá trình hoạt động của Cansat tương tự như các vệ tinh sử dụng ngoài không gian: sau khi được phương tiện phóng đưa lên độ cao quỹ đạo thích hợp, vệ tinh sẽ tách khỏi phương tiện phóng (bằng cơ cấu chấp hành của vệ tinh hoặc của phương tiện phóng); sau một khoảng thời gian nhất định, các hệ thống của vệ tinh được kích hoạt và thực hiện kịch bản hoạt động cũng như nhiệm vụ đã được thiết kế.

Trao giải cho các đội đoạt giải. Ảnh: Mai Mai

Hằng năm, các cuộc thi thiết kế và sử dụng Cansat dành cho đối tượng học sinh, sinh viên được các tổ chức Hàng không - Vũ trụ trên thế giới tổ chức với mục tiêu tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh cũng như khích lệ niềm đam mê sáng tạo không giới hạn của các bạn trẻ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung cũng như khoa học và công nghệ vũ trụ nói riêng.

Nói về chủ đề cuộc thi năm nay, ông Vũ Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam – Chủ tịch Ban giám khảo cuộc thi cho biết: “Hiện nay, ô nhiễm không khí đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng và thiệt hại đáng kể đối với các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch. Ô nhiễm không khí đang có xu hướng gia tăng tại các đô thị lớn và khu công nghiệp. Vì vậy cuộc thi được tổ chức với mong muôn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường với cách tiếp cận mới cũng như kích thích niềm đam mê của các bạn trẻ yêu thích khám phá, yêu công nghệ, môi trường, thông qua việc học tập, thực hành về công nghệ vệ tinh”.

Tại cuộc thi, có 5 đội tham gia với các phần thi và phần thuyết trình về kết quả thu được một cách chính xác, hợp lý, Ban tổ chức đã quyết định đội đoạt giải nhất là FIMO (Trung tâm công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường) đến từ trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận phần thưởng trị giá 5 triệu đồng, giấy chứng nhận, và hai cơ hội nhận học bổng Vallet trị giá 16 triệu đồng cho mỗi suất học bổng.

Giải nhì thuộc về đội UNI – INSPIRATION đến từ Câu lạc bộ Lập trình nhúng (CEEC) - khoa Kỹ thuật Máy tính - trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhận giải thưởng trị giá 3 triệu đồng, giấy chứng nhận. Đội giải Nhì cũng có một cơ hội nhận học bổng Vallet trị giá 16 triệu đồng. Giải ba thuộc về đội YCC – KIO đến từ trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải trị giá 2 triệu đồng cùng giấy chứng nhận.

http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/trai-nghiem-thuc-te-cong-nghe-che-tao-ve-tinh/20180315080832375p1c859.htm

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.