Lúng túng trong ôn thi tổ hợp tuyển sinh vào lớp 10
(Baonghean) - Năm học 2018 - 2019, lần đầu tiên Nghệ An sẽ áp dụng bài thi tổ hợp cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Điều này cũng tác động khá lớn đến công tác dạy học và ôn tập của các nhà trường và đến thời điểm này, việc triển khai còn nhiều khó khăn.
Tăng số lượng môn học
Trường THCS Nguyễn Thái Nhự được đánh giá khá cao về chất lượng trong hệ thống các trường THCS của huyện Đô Lương. Mặc dù vậy, áp lực vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của trường luôn rất lớn, bởi đa phần học sinh lớp 9 đều đăng ký vào Trường THPT Đô Lương 1 - trường có tỷ lệ chọi cao nhất huyện. Tỷ lệ học sinh phân luồng của trường cũng rất ít, mỗi năm chỉ từ 5 - 10 em.
Giờ học của học sinh lớp 9 Trường THCS Quang Trung - Hưng Nguyên. Ảnh: Mỹ Hà
Từ thực tế này, khi Sở Giáo dục và Đào tạo có chủ trương thay đổi môn thi thứ 3 từ một môn tự chọn sang tổ hợp môn, cán bộ, giáo viên và gần 200 học sinh cuối cấp đều khá lo lắng.
Điều này là dễ hiểu, bởi trước đây ngoài 2 môn chính là Toán, Ngữ văn, học sinh chủ yếu tập trung chính cho môn Ngoại ngữ (môn được chọn là môn thi thứ 3 nhiều năm nay). Nhưng, thời điểm hiện tại, nhà trường dạy đều tất cả các môn bao gồm các môn KHXH như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân và các môn KHTN là Vật lý, Sinh học, Hóa học và chú trọng hơn ở các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ.
Nói về sự thay đổi này, thầy giáo Trần Văn Thư - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc triển khai thi môn tổ hợp thay cho một môn độc lập như trước kia đã làm thay đổi tư tưởng người học và tránh được tình trạng học lệch, học tủ. Bản thân giáo viên cũng khá phấn khởi bởi “không còn giáo viên nào phải đứng ngoài cuộc”. Về phía nhà trường, trước sự thay đổi này cũng đã chỉ đạo phải dạy và học toàn diện, chú trọng tất cả các môn học và xác định “thi thế nào học thế ấy” và “học đến đâu ra đề đến đấy” để các em làm quen với cách học và cách thi mới”.
Ở nhiều trường học khác, để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, lịch học thêm buổi chiều cũng đã có sự điều chỉnh.
Cụ thể, như ở Trường THCS Nghi Liên (thành phố Vinh), THCS Tào Sơn (Anh Sơn), trước đây các em chỉ học thêm các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Vật Lý, Hóa học thì nay có thêm các môn xã hội. Tuy vậy, do một tuần các em chỉ được học 3 buổi nên thời gian để ôn tập thêm ngoài giờ lên lớp chưa nhiều. Hầu hết các trường vẫn tập trung ôn tập các môn chính. Các môn còn lại, lịch học xen kẽ nên trung bình khoảng một tháng mới được ôn tập một lần nên hiệu quả ôn tập chưa cao.
“Ngóng” đề thi minh họa
Thí sinh huyện Yên Thành làm thủ tục trước khi bước vào phòng thi, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2017. Ảnh: tư liệu
Để triển khai tốt bài thi theo hình thức tổ hợp, kết thúc học kỳ I, nhiều trường học cũng đã đưa hình thức thi trắc nghiệm vào bài thi học kỳ nhằm đánh giá chất lượng học sinh.
Ở Trường THCS Quang Trung (xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên), năm nay khối lớp 9 có 88 học sinh. Trong kỳ thi cuối kỳ, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, trường tổ chức ra đề theo hình thức 60% tự luận và 40% trắc nghiệm. Nhà trường cũng tổ chức cho học sinh thi nghiêm túc giống như thi thật với mục đích để đánh giá kết quả thực chất.
Qua kết quả của kỳ thi cuối kỳ, cô giáo Trần Thị Bích Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với đề thi trắc nghiệm, kiểm tra được nhiều kiến thức hơn và học sinh làm bài chủ động hơn. Nhưng về kết quả thì chưa cao bởi học sinh chưa quen với cách thi mới và các em phải học quá nhiều môn nên lượng kiến thức nặng, khó tiếp thu được đầy đủ. Xác định năm nay thi theo hình thức tổ hợp cũng sẽ khó khăn hơn so với hình thức thi trước đây, nên Trường THCS Quang Trung cũng đã chủ động xây dựng ngân hàng đề thi để giáo viên thuận lợi hơn trong quá trình dạy học và ra đề thi cho học sinh.
Nhưng quá trình triển khai cũng có nhiều khó khăn, bởi theo như cô giáo Nguyễn Thị Lam Hồng - giáo viên môn Địa lý: “Chúng tôi khá lúng túng khi ra đề bởi thực tế trước khi triển khai chúng tôi chỉ mới được tập huấn chung cho tất cả các môn học. Nhưng khi vào áp dụng thì mỗi môn có một đặc thù riêng và hầu như chúng tôi không có tài liệu tham khảo. Riêng môn Địa lý, để xây dựng các đáp án chúng tôi phải cân nhắc kỹ càng, làm sao để không đánh đố học sinh”.
Ở Trường THCS Tào Sơn (Anh Sơn), thầy giáo Nguyễn Hữu Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đến thời điểm này dù đã quán triệt trong toàn bộ giáo viên và học sinh về việc triển khai theo thi tổ hợp với hình thức trắc nghiệm nhưng kết thúc học kỳ I, chúng tôi cũng chỉ mới tổ chức thi trắc nghiệm với hai môn chính là Toán và Ngữ văn. Còn các môn còn lại, chúng tôi cũng chỉ mới triển khai từ từ và dự kiến đến cuối học kỳ II chúng tôi mới cho các em thi thử theo hình thức trắc nghiệm.
Dự kiến phải sang tháng 3 các trường mới có một ngân hàng đề thi đầy đủ và từ đó mới bắt đầu triển khai áp dụng cho các bài kiểm tra trong học kỳ II. Khó khăn hiện nay là trên cả nước, số tỉnh thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức tổ hợp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, việc tập hợp tài liệu tham khảo không nhiều và đa phần giáo viên phải đang tự làm, tự mày mò để xây dựng đề thi nên không tránh khỏi những lúng túng, hạn chế.
Đến thời điểm này, các đề thi minh họa vẫn chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo công bố. Mong muốn lớn nhất hiện nay của các trường là Sở cần sớm đưa ra đề thi minh họa để từ đó, các trường có cơ sở tổ chức dạy học và xây dựng các đề thi sát với tinh thần chỉ đạo của ngành.
Đồng thời, sớm công bố môn thi tổ hợp để việc ôn tập hiệu quả và tránh tạo áp lực cho học sinh khi đang phải tập trung quá nhiều môn học như hiện nay.
http://baonghean.vn/lung-tung-trong-on-thi-to-hop-tuyen-sinh-vao-lop-10-183119.html
Post a Comment