Header Ads

Kỳ vọng ở Hệ tri thức Việt số hóa

Hệ tri thức Việt số hóa chính thức khởi động từ ngày 1-1-2018 tại địa chỉ https://itrithuc.vn. Sự kiện đánh dấu ra đời một hệ sinh thái tri thức toàn diện, đa dạng đầu tiên tại Việt Nam, với 4 thành phần chính gồm: Hệ tri thức, Dữ liệu mở, Ngân hàng hỏi đáp và Kho ứng dụng do các doanh nghiệp và cá nhân phát triển.

Nền tảng tổng hợp tri thức
Trong 4 thành phần của Hệ tri thức Việt số hóa, hợp phần Hệ tri thức là nền tảng tổng hợp mọi tri thức của đề án. Các tri thức này được hệ thống hóa và được cấu trúc tạo thuận lợi cho người dân học tập, nghiên cứu ở các trình độ khác nhau; đồng thời cho phép cộng đồng tham gia thêm mới, chỉnh sửa để xây dựng bách khoa nội dung số hóa Việt.
Kho Dữ liệu mở là nơi tập hợp các thông tin và dữ liệu được đóng góp bởi các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân. Bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận kho dữ liệu để giải quyết các nhu cầu của mình. 
Trong khi đó, Ngân hàng hỏi đáp là nơi cung cấp các ứng dụng để mọi người dân có thể dễ dàng đặt câu hỏi và tra cứu kiến thức trên mọi lĩnh vực, mọi lúc mọi nơi và cho phép người dùng tương tác với nhiều mạng xã hội và diễn đàn khác nhau.
Cuối cùng Kho ứng dụng là nền tảng để tất cả các nhà phát triển độc lập có thể dễ dàng kết nối vào hệ sinh thái chung của đề án và phát hành ứng dụng. Kho ứng dụng này do các doanh nghiệp hay cá nhân phát triển và tích hợp dựa trên các nền tảng công nghệ mới. 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các quan khách bấm nút vận hành Hệ tri thức Việt số hóa

Đề án Hệ tri thức Việt số hóa ra đời từ thực tế trên không gian Internet có lượng tài liệu khổng lồ nhưng không phải văn bản nào cũng đáng tin cậy. Nhiều tư liệu đáng giá, những tri thức của nhân loại chưa được dịch sang Tiếng Việt. Một số tư liệu quý chưa được sắp xếp có hệ thống để tra cứu thuận tiện ở mọi lúc, mọi nơi.
Đó chưa phải là điều kiện lý tưởng để xây dựng một xã hội học tập suốt đời, phổ biến những tri thức KH-CN của thời đại đến toàn dân. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Phạm Công Tạc cho biết, đề án Hệ tri thức Việt số hóa chính thức khởi động hứa hẹn sẽ tạo ra một hệ sinh thái toàn diện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo...
Đây là những công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực từ khoa học, giáo dục, giao thông, tài chính, sản xuất, y tế…
Khơi dậy khát vọng và sự sáng tạo
Trong buổi lễ khởi động vận hành Hệ tri thức Việt số hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, một quốc gia chỉ có thể mạnh nếu khơi dậy được khát vọng và sự sáng tạo, nếu nâng cao được dân trí, tăng cường được tiềm lực KH-CN.
Mỗi người bất kể trình độ hiểu biết ở mức nào cũng đều cần và đều có thể cùng nhau, giúp nhau tìm hiểu tri thức, tạo ra tri thức và cống hiến tri thức bằng nhiều cách. Tham gia phát triển Hệ tri thức Việt số hóa là một cách hiệu quả trong thời đại của CMCN 4.0.
“Mọi tổ chức, cá nhân, trước hết là lớp trẻ, đội ngũ trí thức, cộng đồng công nghệ thông tin cùng nhau chung sức để phát triển Hệ tri thức Việt số hóa. Khơi dậy và lan tỏa tinh thần ham học hỏi của người Việt, ý thức cộng đồng và khí thế “bình dân học vụ trên không gian mạng. Tiến tới trong xã hội, tất cả mọi người Việt Nam cùng tham gia phổ biến và sáng tạo ra tri thức, nâng tầm trí tuệ Việt Nam, đưa đất nước tiến lên”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi. 
Ngay tại lễ khởi động, đại diện nhiều bộ, ngành, các tỉnh thành, đơn vị giáo dục, nghiên cứu, doanh nghiệp viễn thông, công ty khởi nghiệp, diễn đàn mạng xã hội, ngân hàng và nhiều cá nhân đã tình nguyện tham gia ký cam kết đóng góp xây dựng đề án.
Sự hợp nhất chung tay của các thành phần, tổ chức từ nhiều lĩnh vực trong xã hội đã minh chứng cho sức hút của dự án cũng như khát vọng mang lại một nền tri thức toàn diện, hiện đại, tổng hợp cho người Việt từ chính nỗ lực của người Việt. Được biết, chỉ sau hơn một thời gian ngắn khi Trung ương Đoàn phát động hưởng ứng đề án, đã có gần 2,5 triệu câu hỏi của các sinh viên được gửi lên hệ thống.
Thời gian tới, dựa trên những nền tảng được xây dựng ban đầu, các hoạt động vận hành phát triển nội dung của đề án sẽ được chính thức triển khai. Nhiều tài liệu, dữ liệu từ các cơ quan, bộ ngành sẽ được cập nhật trên kho dữ liệu mở của hệ thống.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, bên cạnh con người, trong cuộc CMCN 4.0 và nền kinh tế số hiện nay, một trong những nguồn lực vô cùng quan trọng là dữ liệu. Chính phủ nhận thức điều đó và đề án Hệ tri thức Việt số hóa là kết quả, dù chỉ mới bước đầu, nhưng đầy tiềm năng, giúp chúng ta có thể nắm bắt, tận dụng và phát huy được những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại. 
Ngày 18-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 677 phê duyệt Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa. Mục tiêu của đề án là xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa thông qua việc tổng hợp, hệ thống hóa, Việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực, trước hết là hỗ trợ cho giáo dục-đào tạo, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như pháp luật, y tế, kỹ thuật sản xuất… 
http://www.sggp.org.vn/ky-vong-o-he-tri-thuc-viet-so-hoa-500706.html

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.