Header Ads

Học sinh TPHCM đề xuất bỏ học nghề

Một số học sinh bậc THCS ở TPHCM cho rằng việc học nghề chỉ để lấy điểm khuyến khích khi thi vào lớp 10 nên cần xem xét bỏ việc đào tạo nghề ra khỏi trường phổ thông hoặc phải thay đổi để nâng cao chất lượng.

Trong chương trình “Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ thiếu nhi - Xuân Mậu Tuất năm 2018” diễn ra vào sáng 24/2, nhiều học trò đã nêu ý kiến việc học nghề trong nhà trường còn nặng hình thức, học chỉ để cộng điểm, nên chăng bỏ việc học nghề; còn học kỹ năng sống trong nhà trường thì ào ào theo cách "hàng ngàn học sinh ngồi nghe" không hiệu quả...

Nhiều học sinh bậc THCS, cụ thể là học sinh lớp 9 quan tâm nhiều đến việc cộng điểm học nghề khi thi vào lớp 10. Nhiều em chỉ ra thực trạng, việc học nghề trong nhà trường còn nặng hình thức, học sinh đi học chỉ để được cộng điểm khuyến khích.
Có em đề xuất với các lãnh đạo nên bỏ học nghề trong nhà trường hoặc thay đổi cách dạy học nghề làm sao để hiệu quả hơn.
Trong khi đó em Đoàn Lê Sơn, học sinh Trường THCS Hồng Bàng, Q5 phản ảnh về việc học kỹ năng sống chưa hiệu quả. Toàn trường khoảng 3.000 học sinh ngồi dưới sân trường nghe các diễn giả dạy về kỹ năng sống, học sinh không tiếp thu được bao nhiêu.
Sơn cũng chỉ ra thực tế nhiều học sinh lớp 8, lớp 9 học giỏi nhưng không biết quét nhà, rửa bát, nấu ăn, thiếu khả năng tự lập, chăm sóc bản thân. "Theo em, ngành giáo dục nên đưa môn kỹ năng sống vào giờ học chính khóa như một môn học chính thức thì việc giáo dục kỹ năng cho học sinh mới thực chất", em Sơn nói.
Trước những ý kiến trên, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết việc tổ chức sinh hoạt dưới cờ, các chuyên đề kỹ năng sống giúp các em có thêm kiến thức, hiểu biết thêm các vấn đề ngoài sách vở, ngoài bài học trên lớp. Tuy nhiên, việc triển khai sinh hoạt chuyên đề cùng lúc 3.000 học sinh sẽ rất khó hiệu quả để các em lắng nghe và tiếp thu. Sở sẽ xem xét cụ thể để các trường có phương pháp hiệu quả hơn.
Ông Lê Hồng Sơn cũng đồng tình với ý kiến của em Đoàn Lê Sơn, nhiều học sinh hiện nay không biết những việc cơ bản trong cuộc sống như nấu ăn, quét nhà, gấp quần áo...
Từ đó, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ, học nghề ở trung học không phải là học nghề của đào tạo nghề nghiệp mà là học những công việc quen thuộc trong cuộc sống như trồng rau, nuôi cá, nuôi heo ở các trường ngoại thành; chụp hình, nấu ăn, sửa điện, nước... để mỗi người có thể giải quyết những vấn đề đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày.
Nhiều học sinh ở TPHCM đề xuất với lãnh đạo về vấn đề học nghề lấy điểm khuyến khích trong trường phổ thông

Để khuyến khích các em tham gia, chọn lựa việc học nghề này, ngành Giáo dục đã tham mưu cộng điểm cho học sinh THCS khi tuyển sinh vào lớp 10. "Đó chỉ là việc khuyến khích nhưng lâu dần ở góc nhìn của người lớn như giáo viên, phụ huynh lại cho rằng học nghề để được cộng điểm là không đúng", ông Sơn nhấn mạnh.
Về việc Bộ đang có dự thảo bỏ điểm khuyến khích vào lớp 10 khi học nghề, hay các hội thi của thành phố, ông Lê Hồng Sơn thông tin, việc cộng điểm hay không cộng điểm còn phải tùy thuộc vào quy chế thi. Khi nào Bộ GD-ĐT có những văn bản, thông tư chính thức để điều chỉnh thì mới thay đổi. Còn ngành Giáo dục TPHCM vẫn đang áp dụng cộng điểm khuyến khích cho học sinh.

TPHCM có gần 1.900 nhóm trẻ tư thục
Trước lo lắng của nhiều thiếu nhi về tình trạng bạo hành ở trẻ nhỏ ở các cơ sở mầm non, ông Lê Hồng Sơn cho biết, toàn thành phố gần 1.900 nhóm trẻ mầm non tư thục. Các nhóm trẻ này đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân nhập cư ở các tỉnh về thành phố làm ăn. Việc bạo hành trẻ không phải là phổ biến nhưng gây bức xúc dư luận.
Mới đây, ngành Giáo dục thành phố đã rà soát, kiểm tra các nhà trẻ không phép, nhớm lớp, đội ngũ giáo viên, bảo mẫu ở 24 quận huyện để chấn chỉnh hoạt động.
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoc-sinh-tphcm-de-xuat-bo-hoc-nghe-20180224220732193.htm

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.