Header Ads

Gia Lai nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số

Giờ học ngoại khóa về văn hóa dân tộc Gia Rai và dân tộc Kinh tại Trường tiểu học Lý Tự Trọng (xã Ia Der, huyện Ia Grai)

Ðổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) là nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Gia Lai quan tâm, triển khai, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống GD và ÐT bảo đảm quy mô, chất lượng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm gần đây, Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực cả về quy mô, chất lượng, hiệu quả GD và ÐT lẫn đa dạng hóa các hình thức giáo dục.



Gia Lai là tỉnh có đồng bào của 34 dân tộc sinh sống, số lượng người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ hơn 46%, sinh sống rải rác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Toàn tỉnh có 17 huyện, thị xã, thành phố, 222 xã, phường, thị trấn, trong đó có 73 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và 664 thôn đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn 2010-2020, với đặc thù có đông người DTTS, tỉnh Gia Lai xác định, muốn phát triển bền vững sự nghiệp GD và ÐT cần phải tập trung và chú trọng đầu tư phát triển giáo dục dân tộc bằng những quyết sách riêng, cùng với các chính sách của Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ giáo dục vùng DTTS và miền núi phát triển.
Trong những năm qua, ngành GD và ÐT tỉnh Gia Lai tiếp tục có nhiều chuyển biến cả về quy mô lẫn chất lượng, được Bộ GD và ÐT đánh giá cao, tặng nhiều bằng khen. Hiện nay, Gia Lai có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trong đó có hai trường PTDTNT cấp tỉnh với 712 học sinh và 15 trường PTDTNT cấp huyện với 1.947 học sinh. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 25 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ở vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên cơ sở chuyển đổi từ trường tiểu học và trường trung học cơ sở thuộc tám huyện trong tỉnh: Kbang, Kông Chro, Mang Yang, Krông Pa, Phú Thiện, Chư Sê, Ðác Ðoa và Ðức Cơ với 4.372 học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào DTTS đến trường, đáp ứng yêu cầu tăng tỷ lệ huy động, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Công tác dạy tiếng nói, chữ viết DTTS cũng tiếp tục được chú trọng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ÐT, căn cứ tình hình thực tế của tỉnh Gia Lai, năm học 2017-2018, với chín nhóm nhiệm vụ chủ yếu và năm giải pháp cơ bản, ngành GD và ÐT tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thu hút ngày càng đông đảo các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia thực hiện xã hội hóa giáo dục, góp phần đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, thuyết phục phụ huynh, học sinh là người DTTS thấy được ý nghĩa, giá trị của việc học văn hóa và nhu cầu văn hóa trong đời sống xã hội của đồng bào DTTS tại chỗ.
Gia Lai luôn xác định hệ thống trường PTDTNT và PTDTBT có tầm quan trọng đặc biệt trong lĩnh vực GD và ÐT, chú trọng đến công tác bồi dưỡng giáo viên là người DTTS và thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban các trường PTDTNT, trường PTDTBT trong toàn tỉnh để trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các vùng. Vì thế, việc quan tâm tích cực đến công tác củng cố phát triển và xây dựng hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT là vấn đề thường trực của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh, ngành để triển khai thực hiện đúng lộ trình quy hoạch phát triển GD và ÐT của tỉnh giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Xác định giáo dục là khâu đột phá trong phát triển nhân lực vùng DTTS và miền núi, Nhà nước cần đầu tư hiệu quả hơn cho ngành GD và ÐT. Theo đó, tập trung đầu tư, củng cố phát triển và xây dựng hệ thống trường PTDTNT và PTDTBT phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý ở các ngành học, cấp học, nhất là số cán bộ giáo viên là người DTTS.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là yếu tố then chốt, có tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS và miền núi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể phát triển nguồn nhân lực, đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Ngành GD và ÐT Gia Lai đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, trên cơ sở chỉ tiêu cử tuyển hằng năm, nhu cầu đào tạo cán bộ, giáo viên của địa phương cấp huyện và số lượng học sinh dân tộc bản địa Gia Rai và Ba Na, Sở GD và ÐT đã tham mưu UBND tỉnh đưa ra chủ trương ưu tiên xét tuyển học sinh DTTS vào các ngành sư phạm và bố trí công tác sau khi tốt nghiệp. Công tác cử tuyển và bố trí việc làm sau đào tạo cử tuyển đã được tỉnh quan tâm và có phương án bố trí công tác ở một số vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Chế độ cử tuyển đã góp phần đắc lực cho việc bổ sung nguồn cán bộ công chức người DTTS cho các ngành, các lĩnh vực, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ những kết quả đạt được trong nhiều năm qua, tỉnh Gia Lai đang trên đà đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả GD và ÐT vùng DTTS và miền núi. Ðây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục, cần phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, tập trung nâng cao chất lượng GD và ÐT để đổi mới, phát triển với tốc độ nhanh hơn, chất lượng giáo dục ngày càng cao hơn và rút ngắn khoảng cách về chất lượng GD và ÐT giữa các vùng trong tỉnh.
http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35636202-gia-lai-nang-cao-chat-luong-giao-duc-va-dao-tao-vung-dan-toc-thieu-so.html

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.