Dễ như lấy... chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non!
Hoàn thành khóa học trong thời gian kỷ lục, được cấp chứng chỉ và nghiễm nhiên trở thành cô nuôi dạy trẻ. Có lẽ, chưa bao giờ việc trở thành cô giáo MN lại dễ đến vậy.
Nếu có nhu cầu, ai cũng có thể đăng ký học và chỉ sau 2-3 tháng, thậm chí chỉ cần 10 ngày, là sẽ có ngay chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non để trở thành giáo viên mầm non.
Học cấp tốc, phí rẻ bèo
Theo sự “bày vẽ” của các cô giáo vừa vào làm việc tại các nhóm trẻ ở Q. Thủ Đức, TPHCM, chúng tôi được giới thiệu đến một số công ty (CT) chuyên đào tạo nghiệp vụ sư phạm mầm non (SPMN). Một cô còn khẳng định, có thể học khóa cấp tốc chỉ hơn 10 ngày, học phí hơn 2 triệu đồng là có ngay chứng chỉ để đi làm cô nuôi dạy trẻ.
Từ “định hướng” này, chúng tôi tìm hiểu thêm và phát hiện hàng loạt CT, website tự xưng chuyên đào tạo và cấp chứng chỉ SPMN với những quảng cáo hấp dẫn kiểu như: “Bạn đang có nhu cầu trở thành giáo viên (GV) mầm non (MN), bảo mẫu, cấp dưỡng tại các trường xin hãy đến với chúng tôi. Chúng tôi sẽ biến ước mơ của bạn thành hiện thực, luôn đáp ứng những gì con người muốn và cần…”.
Trong vai người có nhu cầu xin vào trường MN làm việc nhưng chỉ mới học hết lớp Tám, đang học bổ túc văn hóa, chúng tôi tìm đến CT cổ phần giáo dục và công nghệ Việt trên đường Lê Hồng Phong, Q.10 và được nhân viên tại đây tận tình tư vấn: “Điều kiện đầu vào đơn giản, không phải thi, chỉ cần tốt nghiệp THCS và có nguyện vọng học là đăng ký được ngay. Trường hợp bạn chưa tốt nghiệp cấp II mà đang học bổ túc thì xin xác nhận của trường đang học cũng được. Khóa mới sẽ khai giảng đầu tháng 1, học hơn 2 tháng là thi lấy chứng chỉ. Bạn có thể chọn học ngày Chủ nhật hằng tuần hoặc tối thứ Hai, Tư, Sáu”.
Khi thấy tôi lo lắng mình học không nổi, thi không đậu, cô nhân viên tiếp tục động viên: “Đề thi dễ lắm. Tài liệu có sẵn. Trước giờ chưa thấy ai rớt, tệ nhất cũng được xếp loại khá. Nếu thi điểm thấp sẽ được thi lại thôi”. Theo cô nhân viên này, chứng chỉ có thể dùng để xin vào làm việc trong các nhóm trẻ, nhóm lớp hoặc trường, tùy yêu cầu của nơi sử dụng lao động. Học phí của khóa học đúng là... “rẻ bèo”, chỉ 2,8 triệu đồng! Không chỉ đào tạo nghiệp vụ SPMN, CT này còn đào tạo nghiệp vụ cho cả giảng viên đại học (ĐH) , cao đẳng (CĐ) và trung cấp chuyên nghiệp…
Tại CT cổ phần giáo dục Việt Nam (đường D2, Q. Bình Thạnh), một nhân viên tên Hiền cho biết: CT có lớp đào tạo chứng chỉ sơ cấp. Một lớp vừa tốt nghiệp, nhiều người đã xin được việc.
Hỏi thêm về nội dung đào tạo, nhân viên này cam kết: “Học phí trọn gói chỉ 2,5 triệu, học trong 3 tháng, chỉ học ngày Chủ nhật hằng tuần. GV đều là những giảng viên chất lượng từ các trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, CĐ Sư phạm mẫu giáo Trung ương. Đơn vị cấp chứng chỉ là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thì chỉ có 1 người dạy”.
Hiền còn đảm bảo, thi đề mở nên không rớt, chỉ có điểm cao hay thấp. Lớp đã học được 2 ngày (tức 2 tuần) nhưng vẫn có thể đăng ký vào học vì mới trễ có… 2 môn trong tổng số 9 môn. Nếu người học cần, CT sẽ bố trí cho học bù. Một tháng sau khi kết thúc khóa học là có chứng chỉ để người học xin việc.
Hiện đang có không ít những CT tương tự các CT trên, đăng thông tin chiêu sinh lớp chứng chỉ nghiệp vụ SPMN tràn lan với cam kết: học viên sẽ được dạy bởi các GV có trình độ về GDMN tại các trường CĐ, ĐH uy tín. Học viên học trong 300 tiết (20 tín chỉ), được tiếp cận đầy đủ về tâm lý học trẻ em, kỹ năng giao tiếp với trẻ, những phương pháp GD trẻ ở độ tuổi MN; nhưng chỉ tốn khoảng 2,5 - 3 triệu đồng cho một khóa học.
Hoàn thành khóa học trong thời gian kỷ lục, được cấp chứng chỉ và nghiễm nhiên trở thành cô nuôi dạy trẻ. Có lẽ, chưa bao giờ việc trở thành cô giáo MN lại dễ đến vậy. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi những trận bạo hành và tai nạn xảy ra trong các cơ sở MN cứ ngày càng nhiều, mà nguyên nhân đa phần xuất phát từ việc các cô nuôi dạy trẻ không được đào tạo bài bản, thiếu nghiệp vụ.
Dễ dãi nên... dễ chết!
TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, tỏ ra bất ngờ khi được nghe thông tin về các CT đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ SPMN. Theo ông, chỉ có trường từ trung cấp trở lên, được cơ quan quản lý cho phép mới có quyền mở lớp đào tạo nghiệp vụ này.
“Có thể họ chiêu sinh, giảng dạy nhưng ký hợp đồng với một trường khác cấp bằng. Theo nguyên tắc, đơn vị cấp bằng phải chủ trì đào tạo nhưng họ đã không thực hiện đúng quy định”, tiến sĩ Lê Lâm nhận định.
Ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, GV MN phải có bằng từ trung cấp trở lên, nếu chỉ có chứng chỉ thì không làm GV được, chỉ có thể làm cô nuôi.
TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - Trưởng khoa Giáo dục MN, Trường ĐH Sài Gòn, phân tích: đào tạo GV MN là một quy trình bài bản, có kiến thức và kỹ năng. Chứng chỉ này chỉ có giá trị bổ trợ làm nghề, không thể đứng lớp. Tôi ví dụ, một người có chuyên môn về âm nhạc nhưng muốn dạy nhạc cho trẻ MN thì phải học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Mỗi thao tác chăm sóc vệ sinh cho trẻ như tắm, đút ăn, lau mặt… đều phải thực học. GV phải biết cách đọc chương trình giáo dục để lên giáo án, chuyển hóa thành bài giảng… Một khóa đào tạo chứng chỉ chỉ học hơn 10 ngày thì không thể nào làm được những điều đó. Có lẽ họ cố tình lập lờ thôi.
Tại Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, một lớp nghiệp vụ SPMN phải kéo dài hơn 1 học kỳ, với gần 10 môn học về kiến thức nền và kỹ năng. Mỗi môn ít nhất 30 tiết, học viên phải học đầy đủ và làm bài thi cuối khóa. Học phí cho một chương trình phải từ 6 triệu trở lên. Chính vì vậy, nhiều học viên rất ngán kiểu học bài bản này, mỗi lớp chỉ khoảng 20 học viên đăng ký.
Trong khi đó, các lớp “cấp tốc” do các CT tổ chức luôn “đắt khách”, thường có đến 60 người và khai giảng khóa mới liên tục. “Một khóa học chỉ 12 ngày thì làm sao truyền tải hết nội dung, chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Nói cách nào đó là người học đóng vài triệu để mua chứng chỉ. Những người học như thế, nếu làm công việc giữ trẻ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ để xảy ra tai nạn trường học hoặc bạo hành…”, ông Lê Lâm nhấn mạnh.
Chuẩn đào tạo GV MN là 2 năm (trình độ trung cấp) và hiện đang dần bị xóa bỏ để nâng lên chuẩn 3 năm (trình độ CĐ). Kinh nghiệm của nhiều nhà quản lý MN cho thấy, GV MN dù đã qua đào tạo bài bản đôi khi vẫn lúng túng trước nhiều tình huống sư phạm.
Tuy nhiên, theo một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đang có những cơ sở MN (thường là đơn vị tư nhân) sử dụng chứng chỉ sư phạm MN cho việc đứng lớp dạy học. “Nếu chỉ đào tạo cấp tốc vài buổi thì không thể đủ nghiệp vụ, tai nạn xảy ra chỉ là sớm hay muộn. Những trường hợp bạo hành trẻ đã và đang xảy ra tại các cơ sở MN ngoài công lập là minh chứng rõ nhất”, vị này nói.
http://alobacsi.com/thoi-su/de-nhu-laychung-chi-nghiep-vu-su-pham-mam-non/20171227043315437
Post a Comment