Header Ads

Công ty Trung Quốc nhân bản chó chỉnh sửa gene để nghiên cứu bệnh

Chú chó Longlong, được nhân bản từ chú chó Apple, có bộ gene được chỉnh sửa. (Nguồn: AP).
Với bộ lông đen, nâu và trắng, Longlong nhìn giống như rất nhiều chú chó săn thỏ khác. Nhưng Longlong lại bị chứng xơ vữa động mạch từ lúc sinh ra, điều mà các nhà khoa học Trung Quốc mong muốn để phục vụ nghiên cứu chữa bệnh của họ.
Điều đáng chú ý là Longlong được nhân bản từ Apple, một chú chó khác có bộ gene được chỉnh sửa để mắc bệnh xơ vữa động mạch. Căn bệnh này được di truyền sang cho Longlong ngay khi nó mới chào đời và các nhà khoa học sẽ nghiên cứu tình trạng bệnh của chú chó này để tìm ra cách chữa trị ứng dụng được cho con người.
Longlong được sinh ra nhờ một công ty công nghệ sinh học tên Sinogenee có trụ sở tại Bắc Kinh. Công ty này cho hay, Longlong là chú chó đầu tiên được nhân bản từ một bên hiến gene đã được chỉnh sửa. Bằng việc cho ra đời Longlong, giới khoa học tuyên bố rằng Trung Quốc đã bắt kịp Hàn Quốc để trở thành quốc gia đi đầu trong công nghệ nhân bản chó.
Trong năm 2005, giới khoa học Hàn Quốc đã nhân bản thành công chú chó Snuppy, thuộc giống chó săn Afghanistan.
"Một con chó được sinh ra từ tế bào được chỉnh sửa gene là một bước đột phá" - Eugenee Redmond, Giám đốc khoa Cấy ghép Thần kinh thuộc ĐH Dược Yale, nhận định.
Công ty Sinogenee còn nhân bản thành công 2 chú chó khác theo phương thức này, có nghĩa họ hiện đang sở hữu 4 chú chó nhân bản - Apple, Longlong cùng 2 chú chó mới là Xixi và Nuonuo. "Chó là loài có chung các bệnh di truyền nhiều nhất với con người, điều đó khiến chúng trở thành mẫu vật tốt nhất để nghiên cứu", Feng Chong, Giám đốc công nghệ của Sinogenee, cho hay.
Theo ông Feng, sự ra đời của Longlong đánh dấu lần đầu tiên giới khoa học kết hợp được 2 mảng công nghệ sinh học với nhau: Công nghệ chỉnh sửa gene có tên CRISPR và công nghệ nhân bản tế bào xôma - phương thức từng được sử dụng để nhân bản cừu Dolly.
Xơ vữa động mach, chứng bệnh khiến chất béo đóng dày trên thành mạch máu, có thể gây nên các cơn đau tim và đột quỵ, và căn bệnh này ảnh hưởng tới 15,8 triệu người dân Mỹ. Xơ vữa động mạch hiện là căn bệnh khiến cho nhiều người chết nhất trên thế giới, cướp đi sinh mạng của 17,7 triệu người trong năm 2015, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tranh cãi về vấn đề đạo đức
Trong khi nhiều quốc gia khác trên thế giới từng có những cuộc nghiên cứu tương tự, nhưng Trung Quốc lại trở thành nước đi đầu trong công nghệ sản sinh ra các loài vật có bộ gene được chỉnh sửa. Giới khoa học nước này từng tiến hành cấy ghép bộ gene gây rối loạn tự kỷ ở người cho khỉ.
Tuy nhiên, dù đã thành công vượt bậc trong các thí nghiệm biến đổi gene, công ty Sinogenee vẫn phải đối mặt với nhiều quan ngại về đạo đức. Hội bảo vệ động vật - PETA mới đây đưa ra một tuyên bố gọi các thí nghiệm của Sinogenee là "vô đạo đức". "Việc nhân bản không chỉ rất tốn kém, mà nó còn là hành động dã man", tuyên bố này nêu rõ.
Ngoài các quan ngại về vấn đề đạo đức trong khoa học, nhiều người cũng cho rằng Trung Quốc đang thiếu đi bộ luật bảo vệ các loài động vật trong phòng thí nghiệm. Ở Trung Quốc, có khoảng 20 triệu con động vật trong phòng thí nghiệm, phần lớn là chuột, được sử dụng để thí nghiệm hàng năm, theo Viện nghiên cứu Thực phẩm và Thuốc men Quốc gia Trung Quốc.
Deborah Cao, tác giả của cuốn "Động vật ở Trung Quốc: Luật pháp và xã hội" và là Giáo sư thuộc trường ĐH Griffith (Australia), nhận định rằng quyền động vật là một trong số ít các lĩnh vực nghiên cứu khoa học được bảo vệ bởi luật pháp.
"Hiện có rất ít báo cáo hoặc điều tra liên quan tới việc lạm dụng động vật trong các phòng thí nghiệm ở Trung Quốc" - ông Cao nói.
Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc trong năm ngoái từng đưa ra tin rằng chính phủ nước này đang đưa ra các quy định cứng rắn hơn để quản lý động vật trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên vẫn chưa rõ các quy định có đi vào hiệu lực hay có ràng buộc về pháp lý hay không.
Cân nhắc về chi phí
Một số người khác cũng đặt câu hỏi về ý nghĩa của việc đổ cả đống tiền vào một nghiên cứu quá đỗi rủi ro và gây tranh cãi như vậy.
Zhao Jianping, Phó Giám đốc của Sinogenee, nói rằng tỷ lệ thành công của công ty này trong việc nhân bản chó là khoảng 50%, trong đó 2 trong 4 cá thể chó ban đầu đã cho ra được 3 cá thể chó nhân bản.
Được biết, sự ra đời của chú chó Apple là sự kiện tiếp nối sau các nỗ lực nhân bản thất bại với 5 chú chó khác - đều có bộ gene được chỉnh sửa nhưng lại không bị nhiễm xơ vữa động mạch như các nhà khoa học mong đợi.
PETA thì cho rằng số tiền sử dụng để đổ vào các thí nghiệm kiểu này nên được sử dụng để giúp đỡ những loài thú nuôi vô chủ hơn là tạo thêm ra chúng. "Lượng tiền lớn được dùng để nhân bản có thể giúp đỡ hàng triệu con mèo, chó cùng nhiều loài thú nuôi khác đang bị nhốt trong cũi hàng năm bởi không có ai nhận nuôi chúng", ông Chi Szuching, đại diện của PETA khu vực châu Á, nói.
Nhưng các nhà khoa học ở Sinogenee lại tin rằng nghiên cứu của họ có thể giúp hình thành tương lai phát triển của ngành dược phẩm và sinh học. Công ty này còn đang lên kế hoạch sản sinh ra thêm nhiều chú chó nhân bản như Longlong.
"Những chú chó nhân bản được chỉnh sửa gene rất hữu dụng đối với các công ty dược phẩm" - ông Feng nói - "Hàng năm, nhu cầu lúc nào cũng tăng cao trong khi lượng cung thì thấp".
"Thương mại hóa" nhân bản?
Ông Feng thêm rằng việc tạo thêm những chú chó nhân bản được chỉnh sửa gene có thể tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực nghiên cứu này.
Được biết, biện pháp trước đây mà giới khoa học sử dụng để tạo chứng bệnh xơ vữa động mạch trên cá thể chó là ép loài vậy này phải ăn các bữa ăn có hàm lượng đường và chất béo cao cho đến khi có kết quả. Nhưng công nghệ hiện tại của Sinogenee lại không có công đoạn được cho là khiến loài chó phải chịu đựng như vậy.
Một số nhà khoa học, trong đó có Giáo sư Redmond, cũng đồng thuận với luận điểm này. Tuy nhiên Keith Guo, thuộc Văn phòng báo chí của PETA ở Trung Quốc, nói rằng, ông nghi ngờ công nghệ mới này bớt dã man hơn bởi những chú chó nhân bản vẫn phải chịu đựng căn bệnh từ lúc mới sinh.
Hiện nay, Sinogenee nói rằng họ cũng có kế hoạch nhân bản những chú chó có khả năng làm việc như cảnh khuyển, chó dẫn đường cho người mù...
Sarah Chan, Giáo sư chuyên ngành Sinh học thuộc ĐH Edinburgh (Anh), nhận định rằng vấn đề quy mô và đạo đức là rất quan trọng nếu muốn thương mại hóa nhân bản vô tính.
Bà Chan tin rằng với quy mô nghiên cứu chỉ dừng ở mức vài cá thể chó như Sinogenee thực hiện chưa thể gây nhiều quan ngại về đạo đức. Nhưng nếu thực hiện trên quy mô lớn hơn và trong khoảng thời gian dài hạn, người ta sẽ cần phải cân bằng giữa bước tiến khoa học và cách hành xử với động vật.
http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/cong-ty-trung-quoc-nhan-ban-cho-chinh-sua-gene-de-nghien-cuu-benh/20171227101112884p1c160.htm

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.