Người Nhật học công nghệ robot từ người Mỹ rồi chiến thắng người Mỹ như thế nào?
Nhiều năm hợp tác với người Mỹ không mang lại hiệu quả, người Nhật giành lại sự độc lập trong phát triển sản phẩm và cuối cùng phát triển được robot có công nghệ vượt trội hơn.
Năm 1981, Seiuemon Inaba xây dựng trụ sở tại Oshino, khu vực gần núi Phú Sỹ như được nói đến ở bài trước để đảm bảo cho nhà máy tránh được con mắt soi mói của công chúng. Sau đó, ông mời giới truyền thông và chuyên gia ngành trên khắp thế giới đến để xem việc robot sản xuất ra robot như thế nào.
Nhà máy mà ông mở cửa cho truyền thông và chuyên gia ngành vào xem có 100 công nhân, mỗi công nhân đảm nhiệm công việc của khoảng năm người lao động với sự hỗ trợ của máy móc Fanuc và robot công nghiệp. Máy sản xuất ra linh kiện robot rồi sau đó lắp ráp.
Quá trình sản xuất này thu hút sự chú ý của Roger Smith, người gần đây đã trở thành chủ tịch kiêm CEO của General Motors. Cách đây 30 năm, Smith đã gia nhập bộ phận kế toán của General Motors sau khi phục vụ hai năm trong Hải quân Mỹ.
Ông đã thăng tiến dần qua các chức vụ. Ông trở nên nổi tiếng khi lèo lái thành công hoạt động của GM trong cuộc khủng hoảng xăng dầu thập niên 1970, dù phải trải qua nhiều khó khăn nhưng GM đã trở thành hãng xe ô tô lớn nhất Mỹ.
Khi ông Smith lên nắm quyền quản lý GM, khi đó GM đang nắm 46% thị phần ngành ô tô Mỹ, tuy nhiên khi đó ngành này đang thoái trào, phần lớn công ty đang tìm cách cắt giảm chi phí và cải thiện hiệu quả làm việc để cạnh tranh với các hãng xe Nhật. GM dư tiền, còn Smith thừa tham vọng cải tổ để khôi phục vị thế của GM trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
Cũng giống như Fanuc, ban đầu GM có được những thành công nhất định trong hoạt động điều khiển số học, trong đó có việc sử dụng hệ thống lưu trữ để lưu lại hoạt động của con người và sau đó mô phỏng nó theo nhu cầu. Những thử nghiệm đó khiến ông Smith mường tượng về một nhà máy của tương lai nơi mà hoạt động sản xuất ô tô sẽ bớt phụ thuộc vào những người công nhân theo phương thức thông thường, tuy nhiên GM đã không thành công khi muốn phát triển theo hướng này.
Robot của Fanuc khi Smith được có cơ hội chứng kiến tận mắt làm ông cảm thấy ngạc nhiên, nó tốt hơn tất cả những gì ông có thể mường tượng được, và nhanh chóng ông biết mình cần gì để tiếp tục phát triển GM.
Một năm sau đó khi trở thành CEO, ông đã bắt tay vào hành động. Một buổi chiều tháng Sáu tại thành phố Troy thuộc Detroit, thủ phủ ngành ô tô Mỹ, một con robot màu vàng cúi chào Smith đầu tiên, sau đó đến Inaba và cuối cùng bước đến cắt dải băng màu vàng khai trường liên doanh có tên GMFanuc Robotics Corp.
Liên doanh hợp tác này đã giúp đảm bảo cho Fanuc một tương lai kinh doanh tốt với một trong những hãng xe lớn nhất trong ngành sản xuất thế giới tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Thế nhưng đối với Smith, ông không khỏi cảm thấy xấu hổ.
Trong một trong những buổi họp với ban điều hành, ông thậm chí không giấu nổi cảm xúc của mình khi nói về người Nhật: “Không bao giờ chúng ta được thể lặp lại điều này, người Nhật học công nghệ từ chúng ta và cuối cùng phát triển nó chiến thắng chúng ta.” Câu chuyện này được kể lại bởi ông Steven Parissien, tác giả của cuốn sách “The Life of the Automobile”.
Theo thỏa thuận được ký kết, khoảng 70 công nhân tại Nhật tham gia phát triển robot GMFanuc tại khu tổ hợp trị giá 600 triệu USD tại thành phố Buick. Ông Smith khẳng định rằng hoạt động hợp tác của hai bên sau này sẽ mở rộng ra ngoài lĩnh vực ô tô: “Chúng tôi sẽ có thể sản xuất các thiết bị điện tử, máy hút bụi. Bạn ra khỏi nhà vào buổi sáng và từ 11h sáng thiết bị sẽ tự động dọn dẹp nhà ở, xong xuôi tất cả mọi việc trước khi bạn về nhà.”
Năm 1986, sau bốn năm cùng hợp tác và phát triển, liên doanh GMFanuc công bố những con robot đầu tiên. Thế nhưng ngay khi được đưa vào dây chuyền để sản xuất xe ô tô GM, robot gặp trục trặc khiến lãnh đạo GM rất xấu hổ.
Theo miêu tả của báo Parissien, khoảng 260 robot của nhà máy khi đó liên tục đưa ra chỉ dẫn sai, lắp đặt nhầm hoặc gửi sai hướng dẫn cho robot trong khâu sản xuất tiếp theo. Hoặc những robot chịu trách nhiệm sơn ô tô lại lấy nhầm lượng sơn cho mỗi chiếc ô tô, chiếc quá nhiều sơn, chiếc quá ít.
Robot gây ra nhiều lỗi đến nỗi công nhân nhà máy phải thực hiện lại quá nhiều công đoạn. Các kỹ sư quá vất vả trong việc theo dõi để đảm bảo cho hoạt động ổn định của robot và khi hoạt động sửa chữa robot diễn ra, 5.000 công nhân nhà máy phải ngồi chơi.
Để phát triển được thành công robot, bản thân Fanuc cũng đã phải thất bại rất nhiều. Tuy nhiên dường như GM cũng không học được gì nhiều từ những thất bại của Fanuc, họ không cải thiện được hiệu quả công việc của mình.
Cựu điều hành của Fanuc, ông Jim Hall, khẳng định rằng sai lầm của GM nằm chính ở chỗ khi họ nhìn thấy người Nhật phát triển được nhiều robot, họ tin rằng họ sẽ phát triển được nhiều robot tốt hơn thế, nhưng cuối cùng thực ra họ cũng chưa hiểu robot đó vận hành thế nào mà chỉ muốn chiến thắng về mặt số lượng đơn thuần.
Và trong khi GM loay hoay trong thất bại thì Fanuc tiếp tục đầu tư mạnh tiền. Fanuc thành công không ngừng trong sáu năm hợp tác đầu tiên và đến năm 1988 hãng đã trở thành công ty sản xuất robot lớn nhất thế giới.
Hoạt động hợp tác giữa GM và Fanuc đối diện với nhiều trục trặc. Và chính GM dưới thời của Smith trong những năm cuối cùng ông còn giữ chức cũng đối diện với tình trạng sa sút. Thị phần giảm từ 46% xuống 35% trên toàn thị trường ô tô Mỹ.
Fanuc cuối cùng cũng đã gỡ được những rắc rối cho mình khi vào năm 1993, người kế nhiệm của John Smith chính thức bán lại cho Fanuc cổ phần của GM trong bộ phận phát triển robot.
Sau nhiều năm hợp tác với GM không thu được gì, Fanuc giành lại được sự độc lập của mình nhưng vẫn giữ được GM trong vai trò khách hàng quan trọng. Một thập niên sau khi thỏa thuận hợp tác với GM kết thúc, Fanuc đã làm được điều mà Roger Smith từng ao ước, họ mở nhà máy ở Oshino nơi robot sản xuất ra robot.
Vào đầu năm nay, trong một lần hiếm hoi Fanuc đón nhà đầu tư, phó chủ tịch Fanuc chia sẻ với nhà đầu tư rằng khoảng 80% công việc lắp ráp của nhà máy được thực hiện tự động hóa.
Và khi mà robot cũng đang tự sản xuất ra robot, bạn có thể bán robot giá rẻ hơn, ví dụ Robotdrill vốn dùng rất nhiều trong hoạt động sản xuất điện thoại thông minh chỉ có giá khoảng 25 nghìn USD. Tập đoàn ô tô Volkswagen đã chuyển sang mua robot của Fanuc với giá rẻ hơn 10% so với robot cùng chức năng mà hãng từng mua từ công ty Kuka AG của Đức.
Theo Bizlive
http://bizlive.vn/the-gioi/nguoi-nhat-hoc-cong-nghe-robot-tu-nguoi-my-roi-chien-thang-nguoi-my-nhu-the-nao-3327019.html
Post a Comment