Hà Nội yêu cầu sở, ngành đồng loạt xây dựng thành phố thông minh
VietTimes -- UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai tổ chức thực hiện phát triển hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và xây dựng Thành phố thông minh.
Ngày 24/10, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản 5285/UBND-KGVX về việc cho ý kiến về phát triển hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và xây dựng thành phố thông minh.
Văn bản nêu rõ, UBND thành phố nhận được Báo cáo số 281/BC-UBND, ngày 6/10/2017 của Đoàn công tác thành phố Hà Nội đi Anh, Pháp, Ý từ 16/9/2017 đến 27/9/2017 về kết quả Đoàn công tác.
Về việc này, UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để thực hiện các nhiệm vụ theo kết luận của Thường trực Thành ủy trước đó.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp Tập đoàn Viễn thông quân đội - Viettel, Công ty cổ phần FPT, các doanh nghiệp liên quan thống nhất đề xuất, báo cáo UBND thành phố giải pháp phù hợp để áp dụng vào các công trình của thành phố.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và sở, ngành liên quan đề xuất mô hình tổ chức, kế hoạch đào tạo nhân sự chuẩn bị cho Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung của thành phố.
Giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu các giải pháp công nghệ (đã được khảo sát trong chuyến công tác) và đề xuất UBND thành phố xem xét, lựa chọn tuyến đường giao thông để triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh. Nghiên cứu, trình UBND thành phố để xem xét, báo cáo Thường trực Thành ủy về Trung tâm Điều hành giao thông tại Kim Mã.
Các Sở Y tế, Giao thông vận tải, Công an thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố nghiên cứu, đề xuất mô hình Trung tâm tiếp nhận, điều phối thông tin về giao thông, phòng chống tội phạm nơi công cộng, cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, y tế trực thuộc Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung của thành phố.
“Thành phố thông minh” có thể hiểu là các cơ quan công quyền ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công, cung cấp thông tin về các lĩnh vực liên quan đến đời sống của người dân trên mạng internet, để người dân tìm hiểu, đăng ký, sử dụng. Người dân, doanh nghiệp giao tiếp trực tiếp qua mạng với những người chịu trách nhiệm giải quyết công việc thuộc các cơ quan hành chính nhà nước, mà không phải gặp mặt.
Cách làm này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn bảo đảm minh bạch, “cắt” được vấn nạn tiêu cực, nhũng nhiễu. Ở góc độ giao tiếp với hạ tầng, xây dựng thành phố thông minh là nói đến việc thành phố sẵn sàng cung cấp các dịch vụ công, có các giải pháp cho sử dụng, phát triển giao thông thông minh; năng lượng; sức khỏe; nước, vấn đề nông nghiệp và quản lý rác thải.
Một thành phố chỉ thực sự thông minh khi hội tụ 3 yếu tố: Hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện, dựa trên 6 tiêu chí: nền kinh tế thông minh, vận động thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh. Và có vẻ như những tiêu chí này khá phù hợp với thành phố Hà nội trong bối cảnh hiện nay.
Post a Comment