Header Ads

'Đốt vàng mã vừa lãng phí tiền vừa ô nhiễm môi trường'

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành công văn số 31 yêu cầu loại bỏ tục đốt vàng mã ra khỏi các cơ sở tôn giáo thuộc sự quản lý của giáo hội.

Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành công văn yêu cầu loại bỏ tục đốt vàng mã ra khỏi các cơ sở tôn giáo thuộc sự quản lý của giáo hội.
Đây là một hành động được cho là rất tích cực và kịp thời nhằm hạn chế tình trạng mê tín dị đoan trong quá trình thực thi tín ngưỡng, tiết kiệm tiền bạc, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.
Đặc biệt là giảm thiểu được một phần nào đó tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí từ tục lệ đốt vàng mã này.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi trao đổi với Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban thông tin truyền thông, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học.
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban thông tin truyền thông, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học đang trao đổi với PV.
Thưa Hòa thượng, xin Hòa thượng cho biết tục lệ đốt vàng mã bắt nguồn từ đâu và tình trạng đốt vàng mã hiện nay ở nước ta?
Tục đốt vàng mã xuất phát từ tập tục Nho giáo của Trung Quốc, mà văn hóa Trung Quốc thì ảnh hưởng đến văn hóa của Việt Nam rất nhiều vì chúng ta có một khoảng thời gian dài bị Trung Quốc đô hộ, nên các tập tục truyền thống chủ yếu đều bắt nguồn từ Trung Quốc, kể cả tục lệ đốt vàng mã này.
Về tình trạng đốt vàng mã ở nước ta hiện nay còn rất nhiều, nhưng nó chủ yếu phổ biến vào những dịp đầu năm, rằm tháng 7 tại những đền thờ, miếu mạo và ở các tư gia của bà con nhân dân. Còn ở chùa thì hiện nay cũng có nhưng đã giảm thiểu rất nhiều.
Nói tóm lại thì tình trạng đốt vàng mã của người dân Việt Nam chúng ta tương đối còn khá nhiều.
Theo Hòa thượng việc đốt vàng mã tràn lan, vô tội vạ như hiện nay gây ra những ảnh hưởng tiêu cực gì, nhất là đối với vấn đề môi trường?
Việc đốt vàng mã tràn lan như hiện nay gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với môi trường sống của con người. Đốt vàng mã dẫn đến khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người đốt và những người xung quanh.
Nhiều khi đốt vàng mã không cẩn thận gây nên hỏa hoạn, cháy nổ, tiêu tốn nhiều tiền bạc, kinh tế của người dân. Đốt vàng mã gây tốn kém tiền bạc, làm ô nhiễm môi trường đặc biệt là môi trường không khí (kim loại nặng, ô nhiễm nhiệt, khói, bụi...).
Nhiều loại "vàng mã" được làm từ các chất liệu giấy đặc biệt đốt cháy không hoàn toàn sẽ phát sinh ra khí dioxin (chất độc màu da cam). Bên cạnh đó, để sản xuất ra vàng mã, nhiều cánh rừng bị chặt hạ để phục vụ cho ngành sản xuất giấy.
Hòa thượng Thích Gia Quang cùng với TS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (Đứng thứ 2 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm tại Chùa Liên Phái (Hà Nội). Ảnh: Quảng Hải
Là Trưởng ban thông tin truyền thông, Viện trưởng viện nghiên cứu Phật học, xin Hòa thượng cho biết các biện pháp để làm giảm thiểu tình trạng đốt vàng mã ở nước ta hiện nay? Và làm cách nào để thay đổi thói quen, cũng như suy nghĩ của người dân về tục lệ đốt vàng mã truyền thống này?
Trong Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã. Theo quan điểm của Phật giáo, chỉ dùng cái tâm, tâm niệm để tưởng nhớ, noi gương các bậc tiền bối, các bậc thần thánh để từ đó làm tốt trong đời sống của mình, không cần phô trương, hình thức, đó mới là điều cốt lõi. Đốt vàng mã nhiều như hiện nay là rất lãng phí.
Muốn làm thay đổi suy nghĩ của người dân Việt Nam hiện nay thì chúng ta phải tích cực vận động, tuyên truyền làm sao để cho người dân hiểu được việc đốt vàng mã thực ra chỉ là thể hiện lòng thành kính, thành tâm về tâm linh, thể hiện tình cảm với tổ tiên chúng ta thôi.
Không phải cứ đốt vàng mã là người ở thế giới bên kia sẽ nhận được. Chúng ta cần phải thay đổi cái nhận thức, cái suy nghĩ về việc đốt vàng mã của người dân, khi mà đã thay đổi được suy nghĩ của người dân rồi thì sẽ giảm được tình trạng đốt vàng mã rất nhiều.
Hòa thượng Thích Gia Quang
Việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn yêu cầu loại bỏ tục đốt vàng mã ra khỏi các cơ sở tôn giáo thuộc sự quản lý của giáo hội. Vậy việc này có phải gián tiếp làm hạn chế, thủ tiêu ngành thủ công truyền thống làm vàng mã không?
Văn bản này thể hiện việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục truyền thống của Phật giáo Việt Nam từ trước những năm 1945 đến nay, đều kính cáo các tăng ni phật tử và các chùa là hạn chế đốt vàng mã.
Công văn này được ban hành thì chắc chắn sẽ giúp cho việc đốt vàng mã giảm thiểu đi rất nhiều, đặc biệt là trong các chùa và sẽ tiến tới loại bỏ được tục lệ đốt vàng mã của người dân Việt Nam.
Còn về phần công văn này tất nhiên sẽ làm hạn chế ngành nghề truyền thống thủ công vàng mã. Người dân nơi đây bước đầu sẽ có những khó khăn nhất định về đời sống, nhưng rồi các ngành nghề ấy họ sẽ tự chuyển đổi.
Người ta buôn bán vì có cầu sẽ có cung, nhưng nhu cầu người dân không cần nữa thì nhà cung cấp cũng sẽ không sản xuất nữa mà chuyển qua kinh doanh cái khác.
Cảm ơn Hòa thượng về cuộc trò chuyện này!
http://www.moitruongvadothi.vn/moi-truong/dot-vang-ma-vua-lang-phi-tien-vua-o-nhiem-moi-truong-a23589.html

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.