Header Ads

Vững nghề, dễ khởi nghiệp

(HNM) - Phải làm gì, làm như thế nào để giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên, để học sinh, sinh viên ra trường dễ có việc làm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội là trăn trở của toàn xã hội. Một trong những giải pháp được khuyến nghị là hệ thống trường nghề cần đổi mới phương pháp dạy và học, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên học nghề với tâm thế: Vững nghề, dễ khởi nghiệp.

Chưa tích cực tìm kiếm việc làm

Thống kê của Bộ Nội vụ và Trung tâm Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, hơn 40% thanh niên Việt Nam đang làm công việc không phù hợp với trình độ. Đối với thanh niên có trình độ từ đại học trở lên, 92% mong muốn có việc làm tay nghề cao, nhưng trên thực tế chỉ có 70% thực sự có việc làm; 30% còn lại thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Đa số thanh niên có việc làm được trả lương thấp hơn mức tiền lương hoặc thu nhập trung bình. Đáng lo hơn, trong tổng số gần 1,1 triệu người đang thất nghiệp trên phạm vi cả nước, lực lượng thanh niên chiếm khoảng 50%.
 
Học sinh, sinh viên vững tay nghề sẽ không lo thất nghiệp. Ảnh: Nhật Nam
Phải làm những công việc không phù hợp với trình độ hoặc thất nghiệp, nhưng nhóm lao động trẻ chưa tích cực, chủ động tìm kiếm việc làm. Theo OECD, tỷ lệ thanh niên thoái chí ở nước ta chiếm khoảng 10% và có xu hướng tiếp tục tăng. Trong thời gian đi học, gần 80% thanh niên không tích cực tìm việc, không chủ động sáng tạo, thậm chí nhiều người thụ động tiếp cận tri thức, công nghệ mới… Nhìn chung, kiến thức, kỹ năng được đào tạo của thanh niên, sinh viên chưa thực sự phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Trong khi một bộ phận không nhỏ thanh niên đang “mắc kẹt” giữa những công việc chất lượng kém hoặc “ăn không ngồi rồi”, thì người sử dụng lao động lại rất khó tuyển được lao động trẻ đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Sự bất hợp lý này vừa ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tương lai của mỗi thanh niên và gia đình họ, vừa ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực trẻ - lực lượng lao động hạt nhân, nòng cốt phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.

Lý giải nguyên nhân, OECD cho rằng, nội dung chương trình giảng dạy ở Việt Nam thiên về giáo dục chính quy và cấp bằng đại học hơn là giáo dục không chính quy và đào tạo nghề. Tại các cơ sở đào tạo nghề, nội dung chương trình giảng dạy còn lạc hậu; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới; sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Chính sách phúc lợi dành cho thanh niên có một số nội dung chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích thanh niên phát huy hết năng lực, sở trường.

Ngoài những yếu tố khách quan, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, môi trường giáo dục trong gia đình cũng tác động rất lớn đến khả năng sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp của thanh niên. Lớn lên trong môi trường cha mẹ luôn bao bọc con cái, nhiều sinh viên đã qua tuổi 20 vẫn xác định học nghề xong sẽ có bố mẹ lo việc làm, học nghề để xin việc làm, chứ không phải học nghề để tìm việc làm, tạo ra việc làm. “Suy nghĩ thụ động này không còn phù hợp với xã hội đương thời. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, con người không làm chủ được máy móc, khoa học, công nghệ, không chủ động sáng tạo, không tự rèn luyện hoàn thiện kỹ năng, tất yếu sẽ bị máy móc thay thế”, ông Trương Anh Dũng cảnh báo.

Xây dựng môi trường khởi nghiệp

Trong chuỗi giải pháp đưa ra, việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng đào tạo nghề nói riêng theo hướng khuyến khích học sinh, sinh viên tích cực sáng tạo, chủ động khởi nghiệp là giải pháp trọng tâm, xuyên suốt nhằm cân đối cung - cầu thị trường lao động, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, ngày 30-10-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”. Triển khai Quyết định 1665, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên trường nghề khởi nghiệp. Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, các biện pháp hỗ trợ dự kiến triển khai là đào tạo khởi nghiệp; tạo môi trường cho sinh viên khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp…

Đồng tình với hướng triển khai của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ông Cung Trọng Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế lưu ý, việc thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp hay câu lạc bộ khởi nghiệp nhằm tạo môi trường cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo nghề nên được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng. Đầu tư dàn trải có thể dẫn đến lãng phí, hiệu quả thấp, bởi nguồn lực hiện nay chưa đủ mạnh, sinh viên cũng chưa sẵn sàng tâm thế khởi nghiệp. Chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình khởi nghiệp sáng tạo tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, ông Cung Trọng Cường cho hay: “Để học sinh, sinh viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa ra ý tưởng khởi nghiệp, trước hết đội ngũ cán bộ, giảng viên phải thay đổi tư duy, đổi mới phương pháp giảng dạy, phải truyền “lửa” đam mê nghề nghiệp đến người học. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nghề cũng nên thay đổi cách thức hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo theo hướng “Mang doanh nghiệp đến nhà trường - Mang sinh viên đến doanh nghiệp”.

Ngoài Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, 10 trường cao đẳng, đại học đang thực hiện thí điểm chương trình khởi nghiệp sáng tạo và đều thu được những thành công bước đầu. Một số ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trường nghề đã nhận được sự đầu tư, hỗ trợ để triển khai trong thực tế. Qua đó có thể khẳng định, hỗ trợ học sinh, sinh viên trường nghề khởi nghiệp thành công sẽ mang lại lợi ích cho nhiều phía. Học sinh, sinh viên vững tay nghề, làm chủ khoa học, công nghệ sẽ dễ dàng khởi nghiệp, không lo thất nghiệp.

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Huong-nghiep/891613/-vung-nghe-de-khoi-nghiep

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.