Tạo bước đột phá cho hoạt động khoa học - công nghệ
Với định hướng phát triển tập trung vào thế mạnh địa phương và được chắp cánh bởi những người làm khoa học tâm huyết, đầy trách nhiệm, hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo được những dấu ấn quan trọng và trở thành động lực cho sự bứt phá trong thời gian tới.
Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ thử nghiệm trồng dưa lưới trong nhà màng - Ảnh: THÁI HÀ |
LÀM KHOA HỌC BẰNG TRÁCH NHIỆM VÀ TÌNH YÊU
Một ngày của những cán bộ kỹ thuật Trạm Thực nghiệm công nghệ sinh học Hòa Quang thuộc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (gọi tắt là trung tâm) luôn bận rộn, tất bật với rất nhiều kế hoạch. Trong khi ở khu vực vào bịch phôi nấm, những công nhân làm việc không ngơi tay thì khu nhà trồng nấm, trồng hoa, hay khu bảo tồn dược liệu, các kỹ thuật viên săm soi, chăm chút tỉ mỉ để theo dõi dịch bệnh, điều chỉnh độ ẩm, lượng nước tưới, phân bón cho phù hợp với cây trồng. Từ nhiều năm nay, Trạm Thực nghiệm công nghệ sinh học Hòa Quang là địa chỉ uy tín chuyên tiếp nhận, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH-CN vào sản xuất.
Người dân tham quan Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung - Ảnh: THÁI HÀ |
Ông Trương Hùng Mỹ, người có hơn 10 năm là Trưởng Trạm Thực nghiệm công nghệ sinh học Hòa Quang, chia sẻ: “Nhà xa, mỗi ngày phải đi đi về về mấy chục cây số, công việc luôn tất bật, đầy thử thách nhưng thực sự nơi đây đã là một phần cuộc sống của tôi. Tôi và những đồng nghiệp đã đầu tư rất nhiều công sức để cải tạo một vùng đất hoang vu, cháy nắng, thiếu nước tưới trở thành miền đất lành để cây cối sinh sôi, nảy nở. Nhờ tâm huyết của tất cả những cán bộ trẻ, đến nay Trạm Thực nghiệm công nghệ sinh học Hòa Quang đã khoác lên mình một dáng vẻ mới với nhiều cây dược liệu, hoa, nấm… đang được trồng thử nghiệm và chuyển giao cho người dân”.
Là những người sẵn sàng từ bỏ tiện nghi ở thành phố lớn về vùng heo hút chỉ có cát và biển ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) để “lo” cho cây dược liệu, các kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Hoàng Xuân Lâm (Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung) đã dồn rất nhiều tâm huyết để xây dựng thành công khu vực trồng dược liệu sạch theo quy trình nghiêm ngặt xuất khẩu sang Hungari, Đức, Nhật, Pháp, Đài Loan… Nhớ lại những ngày đầu gian khổ khi xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung, kỹ sư Tuyết Anh trải lòng: “Khi tôi đến, trung tâm là một bãi cát trống trơn, nắng đổ lửa trên đầu, cát rát bỏng dưới chân và người dân xung quanh vẫn hoài nghi về việc chúng tôi đến đây”.
Vượt qua rất nhiều khó khăn nhưng bằng niềm tin và tình yêu, những người làm khoa học không những mang lại uy tín, vị thế cho mình mà những sản phẩm họ tạo ra còn được chuyển giao, ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, góp phần lan tỏa những hiệu ứng tích cực.
TẬP TRUNG PHÁT HUY THẾ MẠNH ĐỊA PHƯƠNG
Theo ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN, trong 5 năm gần đây, tỉnh triển khai thực hiện 73 đề tài, dự án tập trung nghiên cứu khai thác, phát huy các thế mạnh của địa phương, từng bước tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Đại Dương tham quan điểm kết nối cung - cầu công nghệ - Ảnh: THÁI HÀ |
Năm 2016, những người thực hiện dự án Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại tỉnh Phú Yên đã xây dựng mô hình nuôi trồng tập trung tại Trạm Thực nghiệm công nghệ sinh học Hòa Quang và phân tán trong dân trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố. Nhiều hộ dân đã nuôi trồng thành công nấm linh chi, nấm sò, nấm mộc nhĩ phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Đến năm 2017, dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến tại Phú Yên được thực hiện nhằm giúp cho cơ quan nhà nước dễ quản lý và hạn chế tình trạng người dân nuôi chim yến trong khu dân cư đông đúc gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn sinh học. Từ kết quả của dự án, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đồng thời phê duyệt đề án Hợp tác phát triển và khai thác quần thể chim yến hàng tại Phú Yên giữa Sở KH-CN và Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa trong thời gian 20 năm.
Là đề tài liên quan đến phục vụ sản xuất nông nghiệp, năm 2016, Công ty TNHH Hoàng Long Vina đã chủ trì thực hiện đề tài độc lập cấp quốc gia Nghiên cứu sản xuất phân bón NPK một hạt sử dụng cho một số cây trồng bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Đề tài đã sử dụng công nghệ sản xuất phân bón hiện đại bậc nhất hiện nay trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, đơn vị này đã sản xuất thử 4.000 tấn sản phẩm. Nếu hoạt động hết công suất, doanh thu có thể tăng 700 tỉ đồng/năm, lợi nhuận ước hơn 20 tỉ đồng/năm sau khi kết thúc đề tài vào năm 2019.
Xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân cùng với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, các dự án Trồng và phát triển cây dược liệu an toàn và phù hợp với vùng đất Phú Yên, nghiên cứu tuyển chọn giống sắn ngắn ngày và kỹ thuật thâm canh, rải vụ nhằm phục vụ cho việc phát triển cây sắn bền vững ở tỉnh Phú Yên đã được triển khai và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
http://www.baophuyen.com.vn/79/195694/tao-buoc-dot-pha-cho-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe.html
Post a Comment