Quy định điểm sàn đại học quá cao
Như tin đã đưa, Bộ GD-ĐT đã công bố để lấy ý kiến xã hội về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, áp dụng cho mùa tuyển sinh 2018.
Hạ khung điểm ưu tiên
Dự thảo có điểm mới nổi bật là khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực được sửa đổi: mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,25 điểm, tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.
Như vậy, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 khu vực kế tiếp đã được rút từ 0,5 điểm xuống còn 0,25 điểm, đáp ứng đề xuất của dư luận trong thời gian qua nhằm bảo đảm công bằng cho thí sinh. Dự kiến thay đổi này nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia giáo dục, phụ huynh cũng như học sinh.
Một thay đổi rõ nét nữa của quy chế tuyển sinh 2018 mà Bộ GD-ĐT dự kiến điều chỉnh, là về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn).
Theo dự thảo, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các bài thi/môn thi văn hóa sử dụng để xét tuyển.
Theo dự thảo, học sinh muốn vào ngành sư phạm phải có học lực từ khá, giỏi trở lên
Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Như vậy, dự kiến từ năm 2018, Bộ GD-ĐT chỉ xác định điểm sàn đối với ngành sư phạm, những ngành khác do trường tự xác định.
Quy định về xét tuyển còn gây nhiều băn khoăn
Đối với các trường xét tuyển không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Cụ thể, đối với trình độ đại học, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên; đối với trình độ cao đẳng, trung cấp, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.
Đây là dự kiến thay đổi đang nhận được sự chú ý của nhiều người với những băn khoăn.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), khi bộ đưa ra dự kiến thay đổi này cần tính toán kỹ nguồn đầu vào của ngành sư phạm, tránh tình trạng đề ra mức điểm sàn quá cao sẽ dẫn tới thiếu đầu vào sư phạm, vì không có nhiều người giỏi vào sư phạm như thực tế những năm qua. “Phải tính dao động điểm đầu vào đại học sư phạm.
Lấy ngưỡng cao quá, liệu có khả năng sẽ rất ít người vào học sư phạm, rồi mấy năm sau lại bị khủng hoảng thiếu thì chữa kiểu gì? Trong thiết kế cơ khí bao giờ cũng thiết kế dung sai lắp ghép và các giải pháp kỹ thuật điều chỉnh như căn đệm điều chỉnh..., đảm bảo sự chuyển động linh hoạt trơn tru của hệ thống. Tính một nước cố định nhưng thực tế luôn thay đổi, khi đó sẽ trở tay không kịp”, ông Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.
Ông Vinh cho rằng, muốn học sinh giỏi vào sư phạm thì nên có chính sách học bổng hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp, lúc đó tự nhiên sẽ thu hút được người giỏi, mà không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào.
Mặt khác, hiện nay đánh giá học sinh giỏi chủ yếu dựa vào 2 môn Toán - Văn, trong khi sư phạm có nhiều ngành, vậy nên nếu quy định cứng là xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên mới được vào đại học sư phạm là chưa ổn.
Nên xét theo chính môn của ngành đào tạo thì phù hợp hơn. Đó là chưa kể, việc đánh giá cũng có sự chênh lệch giữa các trường phổ thông, nên đưa ra quy định như vậy là không hợp lý...
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, để giải bài toán đầu ra, đầu vào của ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các địa phương để tính toán quy hoạch nhân lực sư phạm một cách chuẩn xác, không thừa thiếu cục bộ, bảo đảm việc làm, lúc đó sẽ thu hút được học sinh giỏi.
Về việc dự kiến từ năm 2018 Bộ GD-ĐT chỉ quy định điểm sàn sư phạm, điểm sàn các ngành do các trường quy định, ông Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, vừa qua dư luận bức xúc về vấn đề điểm sàn, nhưng giải quyết nó lại là bài toán vĩ mô. Phải có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về việc nên có điểm sàn hay không, vì phải bảo đảm vấn đề tự chủ và phân luồng, bảo đảm cơ cấu nguồn nhân lực, kể cả vấn đề tài chính, rồi phải có bàn tay của Nhà nước.
“Nhà nước có công cụ là thu học phí và chỉ tiêu, ví dụ nếu thấy ngành công nghệ thông tin đã bão hòa thì Nhà nước can thiệp bằng cách giảm chỉ tiêu ngành này. Đó chính là sự điều tiết của Nhà nước tuân theo quy luật thị trường. Như vậy, dù giao cho các trường quyết định điểm sàn thì vai trò quản lý nhà nước, ở đây là Bộ GD-ĐT, vẫn phải thể hiện rõ, thông qua việc bảo đảm cân đối cơ cấu nguồn nhân lực và chất lượng đào tạo”, ông Hoàng Ngọc Vinh phân tích.
Chỉ cần giải quyết vấn đề này thì vấn đề điểm sàn các ngành sẽ được bảo đảm. Quản lý nhà nước về tuyển sinh là chính ở vai trò điều tiết vĩ mô.
http://www.sggp.org.vn/quy-dinh-diem-san-dai-hoc-qua-cao-500537.html
Post a Comment