Ông Đoàn Văn Vươn: Chuyện “ông vịt sạch” và phong trào khởi nghiệp
VietTimes -- Ông không chỉ “bị nổi tiếng”vì vụ chống người thi hành công vụ ở Tiên Lãng, Hải Phòng rồi rơi vào vòng lao lý mà còn “nổi” sau khi ra tù về nhà làm ông chăn vịt. Ông được người dân Hải Phòng gọi là ông “vịt sạch’. Ông là Đoàn Văn Vươn. Chuyện khởi nghiệp của ông “lạ” vì nó được kiểm chứng từ chính bản thân của ông.
Ông Đoàn Văn Vươn (bên trái) |
‘Án tử ...’
Vào những ngày cuối năm Hải Phòng rét cắt da cắt thịt. Thấy người lạ vào trang trại đàn vịt ngàn con kêu cạc cạc như muốm báo cho chủ của nó có kẻ lạ đột nhập… Tiếp khách trong căn chòi nhỏ bên đầm nước ven biển, ông bảo, mấy hôm nay rét quá nên phải để ý chăm sóc chúng nhiều hơn.
Cách đây 2 năm, khu đầm của gia đình ông Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng cây cối xơ xác, tiêu điều, nước trong nhìn tới đáy vì không nuôi thả tôm cá, đường đi lối lại gồ ghề, cỏ dại mọc kín như thể không có sự tồn tại của con người. Vậy mà giờ đây nó đã khoác lên mình diện mạo mới.
"Mới ra tù được hai năm mà đã có trang trại oách nhỉ", tôi nói. “Tôi toan tính khởi nghiệp từ trong tù mà”, ông trả lời.
"Vậy sao anh lại chọn vịt biển sạch", tôi hỏi. Ông bảo những ngày ở trong tù nghe báo đài sau này ra tù tôi tìm hiểu trong tài liệu khoa học mới thấy ăn thực phẩm bẩn khác nào lãnh án tử vì rất nhiều chất trong thực phẩm ấy gây bệnh nan y nguy hiểm, ung thư…
Rồi ông nói, trong tù ông đã nghĩ khi nào mình được tự do sẽ bắt tay ngay vào khởi nghiệp vịt sạch tại cái đầm ven biển nhà mình. Cái mảnh đất được đánh đổi bởi mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của cả tập thể gia đình, ông quai đê lấn biển…
“Hồi mới ra tù người tôi nổi đầy mụn phải đi bệnh viện khám may mà không sao. Tôi về nhà gần với thiên nhiên lại ăn thực phẩm sạch đủ chất nên một thời gian mụn nhọt biến mất. Chả phải sách vở gì ngay cơ thể mình là thấy:Thực phẩm sạch giúp khỏe mạnh và tránh được nhiều bệnh tật”, ông vừa nói vừa chỉ tay ra rừng đước xanh tốt ven đê như để cho khách thấy thiên nhiên trong sạch giúp ích cho sức khỏe con người thế nào.
Rồi ông bảo, muốn có thực phẩm sạch thì phần thức ăn nuôi chúng phải sạch phải phong phú đa dạng… Vật cũng như người thôi chúng cũng cần một môi trường cho mình sống khỏe.
“Tình người”
Bây giờ đâu đâu cũng rầm rộ phong trào khởi nghiệp. Biết ông cũng một thời áo trắng đầy mộng mơ ở Trường Đại học Nông Nghiệp nên tôi bảo, sinh viên bây giờ khởi nghiệp mạnh lắm anh ạ. Ông bảo, thời đại công nghệ nên việc khởi nghiệp cũng ngàn kế, nghìn phương sinh viên ai mà chả mơ mộng…
Dừng một lúc lâu ông mới nhắc lại câu danh ngôn: ”Không kho báu nào quý bằng học thức. Hãy tích lũy nó khi còn đủ sức.” Vậy nên khởi nghiệp thì bên cạnh sự mộng mơ là những tính toán khoa học hợp với từng người một.
Cần phải chọn một công việc phù hợp nhất với khả năng của mình. Đã chọn rồi thì làm tới cùng, mới hy vọng thành công. Các cụ xưa có câu “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” là thế. Người ta cứ bảo thương trường như chiến trường tôi thấy không hẳn thế. Kinh doanh nhất là những thứ liên quan đến sức khỏe cần phải có tình người ở đó. Nếu chỉ hám lợi mà làm bừa thì dù có tiền cũng không bền được vì gieo cái ác ắt có ngày găp hạn.
Chạy ra cho vịt ăn một lúc rồi lại vào tiếp khách, ông bảo nghề y thì có lương y như từ mẫu. Còn bao nghề khác liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người nhưng có phải nghề nào cũng được dạy dỗ như nghề y. Làm cái gì cũng vậy cần phải nghĩ đến tình người ở đó, chứ chỉ hám lợi mà làm ẩu làm liều sẽ hại tính mạng người khác. Nên ai khởi nghiệp cũng phải nghĩ ngoài việc tạo công ăn việc làm sự nghiệp cho mình song song với nó là làm cho mọi người có cuộc sống trong sạch, tươi đẹp hơn.
Lại nhớ lúc hỏi đường vào nhà ông, mấy bác nông dân bảo, ông Vươn ngày xưa cứu chúng tôi đấy. Tôi bảo cứu cái gì ạ. Mọi người bảo, cách đây mấy chục năm cứ vào mùa nước dâng là cả làng ôm đồ chạy vào trong. Lúa bị nước mặn chết hết. Người dân phải sống bằng nguồn viện trợ. Rồi một hôm ông Vươn tư vấn cho xã cấy loại lúa chịu mặn, thế rồi chỉ một năm chúng tôi đã đủ gạo ăn, không phải viện trợ.
Làm ăn hai chữ à ra thế…
Nhìn ra bờ đê đang “căng mình” chắn sóng biển, tôi bảo, đào kênh lấn biển của dân Hải Phòng đã vào cả thi ca rồi anh nhớ không? Ông bảo, hồi ấy “ầm ầm” ai cũng biết.
Việc lấn biển vào thơ Tố Hữu, đó là một ngày tháng 10/1984, tại Hội nghị Sơ kết công tác xây dựng huyện toàn quốc, nhà thơ Tố Hữu (hồi đó đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tương đương chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ hiện nay) đã tạo ra một cuộc thi thơ rầm rộ vì ông ”đố” ai điền đúng câu thơ tiếp trong bài thơ Mừng Hải Phòng của ông sẽ được giải thưởng.
Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô!
Đào kênh, lấn biển, dựng cơ đồ.
Làm ăn hai chữ, à ra thế.
…?
Thế là không chỉ người dân Hải Phòng mà ở khắp nơi gửi đáp án tới. Ngày ấy có tới 10.523 câu thơ của 3.250 tác giả thuộc đủ mọi thành phần và lứa tuổi. Trong đó, có hơn 3.400 câu thơ của 1.958 tác giả đã được giới thiệu trên báo. Báo Hải Phòng ra hằng ngày đã dành “đất” trang trọng ở trang 1, ngay dưới “măng sét” để in thơ dự thi trong chuyên mục “Thơ hay nườm nượp bay về”. Trong lịch sử báo chí nước ta, có lẽ khó lặp lại điều lãng mạn và ưu ái thơ ca đến thế!
Ngày ấy một ông bộ đội xuất ngũ về làm nghề vá xe đạp ở gần ngã 5 Kiến An, Hải Phòng thấy có ông cán bộ nói mà không đi đôi với làm, cậy chức cậy quyến tham nhũng, buôn lậu… nên lấy một câu trong bài vè: Có quyền có chức chúng tham ô/Buôn gian bán lậu dựng cơ đồ/Làm ăn như thế dân chả chết/Nói phét ăn nhiều bụng sẽ to. Ông gửi câu thơ “Nói phét ăn nhiều bụng sẽ to”, đến cuộc thi. Thế là ông bị theo dõi, nhắc nhở… Còn ông hàng xóm thì gửi câu “Hãy vững tay chèo vượt sóng xô” thì được giải.
Ông Vươn nhìn tôi rồi cười bảo, cũng có cái đúng. Khởi nghiệp là phải chọn cho cái thế mạnh nhất của mình và phải dốc sức làm tới cùng mới được. Nói phải đi đôi với làm. Tôi cũng một thời sinh viên đèn sách mơ mộng nhưng những năm công binh trong quân ngũ đã dạy cho tôi nhiều điều sau này quai đê lấn biển, làm anh chăn vịt .
Tôi làm được như thế này chính là nhờ chọn đúng sở trường của mình làm quyết liệt và được vợ con và mọi người đồng tình giúp đỡ. Nhà tôi đã mấy chục năm nuôi tôm cá, nuôi gà vịt. Mình là anh nông dân mà nên chọn thế mạnh trồng trọt chăn nuôi. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh mà!
Ngày tôi mới ra tù, một người quen biết tôi sẽ chăn nuôi vịt nên đã không ngại đường xa tới tận nhà, giới thiệu và hỗ trợ gia đình 100 con vịt biển giống Đại Xuyên để nuôi thử. Tôi nuôi vịt sạch thành công, sau đó, tiếp tục mua thêm hàng ngàn con…
Đồng lòng đồng thuận thế nên tôi mới có trang trại vịt biển này. Mình làm việc tốt nên được nhiều người đồng tâm ủng hộ, giúp đỡ. Các bạn trẻ khởi nghiệp cũng vậy. Các cụ bảo, “thiên hạ nhân thiên hạ tài mà”. Nên cần phải đồng lòng dốc sức! Khởi nghiệp như anh lái thuyền ấy: “Hãy vững tay chèo vượt sóng xô” sẽ thành công!
Trang trại vit sạch của ông Vươn rộng tới 43 ha. Chưa đầy hai năm 20.000 con vịt sạch đã “đập cánh” bào bếp người tiêu dùng.
Tôi bảo, câu thơ của Tố Hữu trong bài Mừng Hải Phòng là: Chèo chống ngàn tay một tiếng hô! Nguyên cả bài của nó là:
Mừng Hải Phòng
Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô!
Đào kênh, lấn biển, dựng cơ đồ.
Làm ăn hai chữ, à ra thế.
Chèo chống ngàn tay một tiếng hô...
Nhộn nhịp Sáu Kho vui bến cảng
Khang trang Tam Bạc rộn Thành Tô
Giá còn nữ tướng Lê Chân nhỉ
Ắt cũng khen con cháu Bác Hồ.
Triều dâng, sóng dậy, đời ca hát
Gió tự Đồ Sơn mát... Thủ đô
Tám nghề, Bảy chữ đừng tham nhé
Chín chắn mười mươi cũng chớ phô!
Nghe xong bài Mừng Hải Phòng ông Vươn trầm ngâm nhìn ra phía biển, rồi cầm bật lửa thắp nến ở bàn thờ Thánh và đốt hương ở bàn thờ có bức ảnh cô gái nhỏ. Thấy vậy tôi hỏi, ai đấy? Ông buồn rầu bảo, đó là con gái đầu lòng của tôi. Nó chết đuối ở cái đầm này khi vợ chồng tôi mải mê quai đê, lấn biển… Rồi ông quay mặt đi giấu những giọt nước mắt… Vẫn biết biển ngàn năm vẫn mặm. Nhưng muối nào mặn bằng nước mắt con người. “Ngỡ rằng muối mặn ai ơi/ Ngờ đâu nước mắt người đời mặn hơn.
https://viettimes.vn/ong-doan-van-vuon-chuyen-ong-vit-sach-va-phong-trao-khoi-nghiep-164540.html
Post a Comment