Header Ads

Mô hình giáo dục khai phóng đáp ứng nhân lực cho nền công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng tại Việt Nam đã đặt ra vấn đề xu hướng nghề nghiệp ở những năm sắp tới sẽ như thế nào?

Xu hướng sử dụng lao động trong những năm tới
Theo ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của kỹ năng, tư duy và sáng tạo. Ở đó, máy móc được tạo ra sẽ thay thế chủ yếu cho các hoạt động sản xuất trực tiếp hoặc mang tính giản đơn, không thể thay thế hoàn toàn nhân lực các ngành khoa học xã hội. Hơn nữa, đây sẽ là lĩnh vực mà cơ hội việc làm được tạo ra nhiều hơn với thu nhập cao trong một xã hội có nhiều biến đổi.
Ông Trần Anh Tuấn dự báo nguồn nhân lực tương lai cho các bạn sinh viên trường Đại học Tân Tạo
Theo ông Trần Anh Tuấn, chỉ tính riêng trong thời điểm hiện tại, nhân lực các ngành khoa học xã hội đáp ứng chưa được 30% nhu cầu thực tế. Dự báo trong khoảng 3 - 8 năm tới, nhu cầu nhân lực ngành này vẫn chiếm vị trí quan trọng trong tổng các nhóm ngành nghề tại VN.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực qua đào tạo tại TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020 đến năm 2025 nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn - du lịch sẽ cần tới 16.200 người làm việc mỗi năm. Đây là nhóm ngành đứng thứ 3 về số lượng việc làm được tạo ra trong tổng số 8 nhóm ngành (sau kỹ thuật công nghệ và kinh tế - tài chính - ngân hàng - pháp luật - hành chính).
Theo nhiều ý kiến, dù số lượng việc làm được tạo ra không giảm nhưng sẽ đòi hỏi ngày càng cao với người lao động về khả năng tư duy và sáng tạo. Khi đó, người lao động cũng đòi hỏi phải có kiến thức đa ngành và xuyên suốt mới thích nghi được.
Mô hình giáo dục khai phóng đáp ứng được nguồn nhân lực thời đại 4.0
Theo ông Hà Thanh Tân, giám đốc truyền thông và tuyển sinh của trường ĐH Tân Tạo, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong tương lai ở nhiều ngành nghề con người sẽ bị thay thế bởi máy móc, bên cạnh những thuận lợi còn mở ra những thách thức mới. Do đó đòi hỏi con người phải sáng tạo, phát triển hơn nữa, làm được những điều mà máy móc không làm được, nhất là trong những ngành nghề mà máy móc ít tiếp cận đến như du lịch, nhân văn.

Ông Tân cũng nhận định rằng, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết người trẻ phải là những công dân toàn cầu. Trước băn khoăn của nhiều học sinh về vấn đề ra nước ngoài du học mới trở thành công dân toàn cầu, ông Hà Thanh Tân nhấn mạnh: "Cách hiểu ra nước ngoài du học mới trở thành công dân toàn cầu là máy móc. Thực tế, trong thời đại 4.0 thì học tập và làm việc tại Việt Nam cũng được kết nối toàn cầu. Điều quan trọng không phải học ở đâu mà học trong môi trường như thế nào và các em đã thật sự có đam mê với ngành nghề mình chọn hay chưa? Đã thật sự nỗ lực để thay đổi mình chưa hay còn ngại khó? Nếu học tập và làm việc với tinh thần say mê, luôn nỗ lực tìm tòi sáng tạo cái mới thì tin chắc cơ hội việc làm luôn rộng mở…”, ông Tân phân tích.

Trước những thắc mắc của nhiều học sinh khi ông Tân tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, rằng bằng cách nào để ngay tại sân nhà vẫn có thể tự tin hội nhập với thế giới trong guồng quay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Tân khẳng định, các em phải học cách thế giới đang học. Hình thức du học tại chỗ và giáo dục khai phóng có thể giúp người học tiếp cận được với tư duy đặt vấn đề và suy nghĩ của các nước tiên tiến. Đặc biệt giáo dục khai phóng là phương pháp phổ quát nhất ở Mỹ, đào tạo theo hướng đa diện ở tất cả các môn học từ văn hóa, xã hội đến chuyên ngành, không đơn thuần là đơn diện như giáo dục truyền thống. “Tức là học một ngành vẫn có thể làm được nhiều nghề. Học kinh tế vẫn có thể làm được truyền thông, kinh doanh hay marketing”, ông Tân cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Tân, dù bất cứ hình thức nào, khi đã xác định hội nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người học cần phải xác định được rõ mục tiêu của mình, chủ động và cầu thị trong tinh thần tự học. “Các em phải biết được đam mê của bản thân là gì, thế mạnh là gì, kỹ năng biến những điểm yếu thành điểm mạnh, trang bị vốn ngoại ngữ. Đó chính là công thức để hội nhập”, ông Tân nhắn nhủ.
http://kenh14.vn/mo-hinh-giao-duc-khai-phong-dap-ung-nhan-luc-cho-nen-cong-nghiep-40-20180201034026713.chn

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.