Header Ads

Cội nguồn của giáo dục

(LĐTĐ) Câu thành ngữ “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” là nét đẹp truyền thống đã được duy trì, in sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người Việt mỗi độ tết đến, xuân về. Nó gợi nhắc cho lớp sau tục lệ kính trọng, quan tâm, chăm sóc đối với những người trên trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, sao cho trọn nghĩa“uống nước nhớ nguồn”, "ăn quả nhớ kẻ trồng cây"...
Ý nghĩa sâu sắc
Đối với người Việt Nam, Tết cổ truyền luôn được coi là dịp nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Khi cành đào, cây mai khoe sắc thắm đung đưa trong gió xuân cũng chính là dịp tất cả mọi người tạm gác lại những bộn bề, lo toan thường nhật để trở về sum vầy bên gia đình, thầy cô và bạn bè.

GS Hoàng Chương
Xuất phát từ mong mỏi cùng nhau đón một cái Tết đông vui, hạnh phúc nên ông cha ta vẫn luôn nhắc nhở cháu con rằng: “Mùng 1 Tết cha”, con cháu sẽ tề tựu đông đủ về từ đường bên nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi chúc Tết, mừng thọ ông bà nội. “Mùng 2 Tết mẹ” sẽ về từ đường bên ngoại, cũng thực hiện đầy đủ lễ nghi cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi chúc Tết, mừng thọ ông bà ngoại.
Còn ngày “mùng 3 Tết thầy”, người Việt sẽ rủ nhau đến thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn người đã truyền đạt kiến thức, góp phần dạy dỗ chúng ta nên người. Đây cũng là thời gian hiếm hoi trong năm để bạn bè được ngồi lại bên nhau trò chuyện, chia sẻ và chúc nhau gặp nhiều điều may mắn trong năm mới.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc như trên, nhiều người đã cho rằng, câu thành ngữ “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” nếu chỉ hiểu đơn giản là lịch trình ngày xuân thì chưa thể nói lên hết hàm ý sâu sắc trong lời dạy của người xưa.
Chia sẻ về điều này, GS Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Nghiên cứu văn hóa dân tộc cho rằng, những câu nói được lưu lại trong dân gian suốt từ đời này sang đời khác thường mang triết lý sâu sắc, thậm chí trở thành định nghĩa về tư tưởng, tình cảm của dân tộc.

Đối với câu thành ngữ “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” vĩnh viễn nói về giáo dục con người, nhắc nhớ con người đang sống hôm nay phải suy ngẫm về truyền thống trước nhất phải kính trọng cha mẹ bởi “công cha như núi thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, tiếp đến là đạo thầy trò với quan điểm “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.
Vì thế, nếu hiểu câu thành ngữ là lịch trình chơi xuân thì chỉ mang tính ước lệ công thức. Thực tế phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng người ngày Tết mà sắp xếp đi thăm hỏi, chúc Tết cha mẹ, thầy cô.
“Trong ứng xử tình cảm, tâm linh không có thứ tự cụ thể, mọi ứng xử đều như nhau, quan trọng là sự tự giác của mỗi người.Trường hợp vì khoảng cách địa lý học trò không thể đến chúc Tết thầy thì mùng 3 Tết nên được hiểu là học trò sẽ nhớ tới thầy trong tâm khảm và nhớ lúc nào cũng được”, GS Hoàng Chương phân tích.
Cội nguồn từ giáo dục
Giải thích về cách cha ông ta tổng kết và sắp xếp những người xuất hiện trong câu tục ngữ, GS Hoàng Chương cho biết, trong đời mỗi người luôn có 3 người quan trọng không thể thay thế được. Trong đó, cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục nhưng con người được sinh thành chưa đủ mà phải có thầy, bởi “không thầy đố mày làm nên” những ai thiếu kiến thức sẽ không trở thành con người hoàn chỉnh được.

Phân tích sâu hơn về chữ thầy, GS Chương cho rằng, chữ thầy ở đây rất rộng, trên mỗi chặng đường đời của từng gặp và nhận nhiều người khác nhau làm thầy. Ngay cả cha mẹ cũng là người thầy dạy dỗ, theo sát chúng ta từ khi mới sinh ra cho đến lúc trưởng thành. Bản thân mỗi người phải nhắc nhở chính mình trong đạo lý ứng xử, phải luôn luôn tôn trọng và nghĩ đến những người đã cho mình trí thức cùng sự hiểu biết để sống trong đời.
Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc, trong đó có Tết cha mẹ, Tết thầy đang bị người trẻ quên lãng hoặc tồn tại một cách mờ nhạt. Chính vì điều này mà văn hóa truyền thống cao quý của dân tộc đang dần mất đi, nhiều lễ nghi được vun đắp từ bao đời đang bị người trẻ lãng quên.
Thanh niên chỉ mong đến Tết để đi chơi, đi du lịch, một số khác chọn lựa về quê là để hưởng thụ không khí nhàn nhã chứ không phải vì tổ tiên, cha mẹ. Có những người còn “khoán trắng” Tết lại cho cha mẹ, bản thân hoàn toàn quên bổn phận làm con.
“Theo tôi việc vui chơi, du lịch cũng là nhu cầu cần thiết nhưng trước hết phải làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng với gia đình. Muốn làm được điều này, trước hết phải giáo dục lớp trẻ nhận thức được văn hóa trong một gia đình cần có kỷ cương và đạo lý”, GS Hoàng Chương phân tích.
Lấy dẫn chứng cụ thể, vị giáo sư nói, khi sang Hàn Quốc vào dịp lễ tết, những thanh niên hiện đại sinh sống ở các thành phố lớn đều trở về nhà sinh hoạt theo nếp sống cũ. Họ chân thành quỳ lạy chúc phúc cho ông bà, cha mẹ một năm mới mạnh khỏe, bình an.
Là một người thầy, tôi không mong học trò phải mang ơn mình chỉ cần ngày lễ tết nhận được một lời hỏi thăm, chúc mừng năm mới đã là 1 niềm vui lớn. Nó cho thấy học trò của mình là người có văn hóa.
Điều quan trọng trong Tết thầy, không phải là món quà to mà là sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc.
Để làm được điều này, mọi người cần làm tròn vai của mình, trò phải ra trò. Giờ đây người thầy không còn như xưa, không giữ được ái uy trong mắt học trò. Người thầy sống không gương mẫu, làm cho học trò coi thường thầy, ngày Tết không đến lễ thầy.
http://laodongthudo.vn/coi-nguon-cua-giao-duc-68698.html

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.