Header Ads

Căn nguyên 'bùng nổ' giáo sư

TTO - Trong số giáo sư, phó giáo sư được 'phong hàm', không ít người chưa hề giảng dạy đại học và không có các công trình nghiên cứu khoa học thực sự.

Hội thảo về cải tiến công tác xét học vị và chức danh khoa học - Ảnh: HĐCDGSNN

Trong đợt xét công nhận chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) năm 2016, số người được công nhận lên tới 703 (bao gồm 65 GS và 638 PGS) đã làm xôn xao dư luận xã hội. Nhưng số được công nhận của năm 2017 còn vượt xa hơn thế với 1.226 vị được trao giấy chứng nhận, khiến dư luận lại bị "chấn động" hơn nữa. 
Xung quanh số liệu tăng vọt đó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Những người được công nhận đó có thực sự đạt chuẩn? Số lượng GS và PGS ở nước ta hiện nay là nhiều hay ít? Việc tăng nhanh số lượng GS và PGS có giúp nền khoa học và giáo dục thêm vững mạnh?...

Từ quyết định năm 1976

Lời giải đáp cho những câu hỏi đó phải được tìm từ nguồn gốc của vấn đề: giáo sư là gì (thuật ngữ "giáo sư" ở đây xin được dùng chung cho cả GS và PGS)? Họ đảm đương chức trách gì trong nền giáo dục? Phải là người thế nào mới có thể trở thành giáo sư?
Theo mô thức quốc tế, giáo sư (professor) là chức vụ chuyên môn học thuật cao nhất và quan trọng nhất trong hệ thống giáo chức đại học, thường được chia thành 3 bậc là giáo sư thực thụ (full professor), giáo sư phụ tá (associate professor) và giáo sư trợ lý (assistant professor). 
Giáo sư là người chịu trách nhiệm cao nhất về khoa học của một bộ môn học thuật với những giáo trình trọng yếu được giảng dạy và các đề tài nghiên cứu của nó.
Thấp hơn giáo sư là cấp giảng viên (lecturer) thường có ba bậc là giảng viên chính (senior lecturer hay full-time lecturer), giảng viên (lecturer) và trợ giảng (associated lecturer hay part-time lecturer) có trách nhiệm giảng dạy và nghiên cứu những bộ môn do các giáo sư chủ trì. 
Ở Việt Nam, GS (tương tự như full professor) và PGS (tương tự associate professor) cũng chiếu theo mô thức này; nhưng chức trách, tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn của các danh xưng đó thì lại khác.
Quyết định số 162/CP ngày 11-9-1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc "phong hàm GS, PGS cho 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu được tôn vinh" đã khởi đầu cho sự hiện diện các GS và PGS trên toàn quốc sau ngày thống nhất đất nước. 
Theo đó, GS và PGS là các phẩm hàm để phong thưởng tôn vinh những cán bộ khoa học và giáo dục có thành tích, chứ không phải là những chức vụ khoa học để các nhà chuyên môn đảm trách; đồng thời đó là những GS và PGS chung cho "tất cả các ngành nghề chuyên môn" trong cả nước, chứ không chỉ là GS và PGS của riêng các trường đại học; và quyền xét phong thưởng này thuộc về Chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của đất nước, chứ không phải là một cơ quan khoa học.
Từ cách quan niệm và thực hiện như vậy, tiêu chuẩn xét duyệt để "phong hàm" sẽ thiên về số lượng sản phẩm và thời gian hoạt động đáp ứng các thủ tục hành chính, hơn là xác định giá trị các công trình khoa học của các ứng viên. 
Do đó, bên cạnh những nhà khoa học thực sự xứng đáng với chức vụ GS hoặc PGS, nhiều người được "phong hàm" chỉ là để đánh bóng tên tuổi và tiến thân trên con đường danh vọng, mà không phát huy được tác dụng nào trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học; một số không ít trong đó chưa hề giảng dạy đại học và không có các công trình nghiên cứu khoa học thực sự.
Tiếp theo đó, Hội đồng học hàm nhà nước được thành lập để "xét duyệt, công nhận và cấp giấy chứng nhận học hàm GS, PGS cho các cán bộ khoa học và giáo dục của tất cả các ngành nghề chuyên môn" (nghị định số 21/CP ngày 4-3-1995 của Thủ tướng Chính phủ). 
Như vậy, việc "phong học hàm" của Thủ tướng đã được chuyển thành việc "công nhận học hàm" do hội đồng thực hiện. Thế tức là quyền xét cấp học hàm đã được chuyển từ cơ quan hành chính cao nhất sang một hội đồng khoa học.
Sự mù mờ về chức trách dẫn tới sự bất cập về quy trình và tiêu chuẩn tuyển chọn, khiến các chức danh GS và PGS chủ yếu vẫn là để tôn vinh và hưởng lợi, mà không gắn chặt với sứ mệnh khoa học của một bộ môn trong một trường đại học cụ thể nào
TS LÊ VINH QUỐC

"Hữu danh vô thực"

Mặc dù có những sự chuyển đổi như vậy, bản chất của các "học hàm" vẫn không thay đổi. Các GS và PGS vẫn là của "tất cả các ngành nghề chuyên môn" chứ không thuộc về hệ thống giáo chức đại học. 
Các học hàm vẫn chỉ là để "tôn vinh" người được công nhận, chứ không phải để họ làm việc với chức trách tương xứng với "hàm" của mình. Tiêu chuẩn xét duyệt vẫn căn cứ vào thâm niên công tác, số giờ giảng dạy, số lượng các bài viết (không rõ chất lượng khoa học đến đâu).
Vì vậy, chất lượng của các "học hàm" vẫn không được cải thiện. GS Hoàng Tụy đã chỉ ra rằng: "Các tiêu chuẩn định lượng bằng cách tính điểm như của ta có vẻ chặt chẽ khoa học, song kỳ thật là máy móc, hình thức và phi khoa học". 
Ông khẳng định "quan niệm học hàm kiểu phong kiến" với "các tiêu chuẩn định lượng" như vậy đã dẫn đến "hậu quả là ta có quá nhiều GS, PGS hữu danh vô thực, cách xa chuẩn mực quốc tế, đồng thời cũng mất đi không ít những nhà khoa học trẻ tài năng mà lẽ ra, nếu được công nhận vị trí xứng đáng, đã có thể đóng góp nhiều cho đất nước". 
Giáo sư Tụy nói hoàn toàn đúng, nhưng ông vẫn còn chưa tính đến con đường bí mật để "chạy học hàm" mà chỉ những người trong cuộc biết với nhau sẽ làm tăng nhanh số "hữu danh vô thực" này.
Nhận thấy khái niệm "học hàm" không phù hợp với mô thức quốc tế và việc "công nhận" nó chưa đủ sức mạnh pháp lý, Chính phủ cho ban hành nghị định số 20/2001/NĐ-CP (năm 2001) "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh GS, PGS"; trong đó "Hội đồng chức danh nhà nước" được thành lập thay cho Hội đồng học hàm trước kia. 
Nghị định này dẫn tới 3 sự thay đổi so với trước: "học hàm" GS, PGS trở thành "chức danh"; việc "công nhận học hàm" được thay bằng một quy trình hai công đoạn là "xét công nhận" và "bổ nhiệm vào ngạch"; đồng thời tiêu chuẩn được bổ nhiệm vào ngạch là phải có dạy đại học.
Nhìn chung, những sự thay đổi này là đúng hướng, nhưng vẫn mang nặng tính hình thức mà chưa dẫn đến một sự biến chuyển về thực chất nào…
Chưa phải là giáo sư thực thụ
Để tiếp tục đổi mới quy trình công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS của nước ta, Chính phủ đã ban hành quyết định 174/2008/QĐ-TTg (năm 2008) và quyết định 20/2012/QĐ-TTg (năm 2012), được Bộ Giáo dục và đào tạo cụ thể hóa bằng các thông tư 16/2009/TT-BGDĐT (năm 2009) và thông tư 20/2012/TT-BGDĐT (ngày 11-9-2012).
Theo đó, công đoạn "xét công nhận" vẫn thuộc quyền Hội đồng chức danh nhà nước; còn công đoạn "bổ nhiệm vào ngạch" được chuyển cho hội đồng chức danh cơ sở (thuộc các trường đại học) và hội đồng chức danh ngành (hoặc liên ngành). Sự đổi mới về hệ thống tổ chức xét duyệt như vậy có vẻ đã đưa các GS và PGS của ta tiến gần tới hình thức "GS đại học" quốc tế; nhưng vẫn chưa phân biệt được chức trách của các chức danh này với các giảng viên bình thường ở trường đại học, nên các GS và PGS được bổ nhiệm vẫn chưa phải là GS thực sự.
https://tuoitre.vn/can-nguyen-bung-no-giao-su-2018021111221611.htm

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.