Header Ads

“Tích hợp” Lịch sử và Địa lí, nhóm biên soạn mới nghĩ được 4 chủ đề?




(GDVN) - Các nhà biên soạn chỉ ngồi “nghĩ ra”, mà chương trình của 4 năm học mới “nghĩ ra” được 4 chủ đề, thì tích hợp làm chi để khổ cả thầy lẫn trò chúng tôi?

LTS: Xung quanh chủ đề "tích hợp" 2 môn Lịch sử; Địa lý vào 1 sách Lịch sử và Địa lý, thầy giáo Nguyễn Nguyên có bài viết chia sẻ những lo ngại của một người trực tiếp đứng lớp về cách tích hợp cơ học trong biên soạn sách giáo khoa.

Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi, văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả.

Chương trình, sách giáo khoa mới tới đây sẽ gò một số môn học thành môn học tích hợp đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải khá nhiều những ý kiến phản biện của các chuyên gia và các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường.

Đồng thời, qua mỗi bài viết cũng đã có nhiều ý kiến của độc giả cùng tỏ ra băn khoăn, nghi ngại về tính khả thi của các môn học “tích hợp” đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện.

Ngày 2/1/2018, trên trang VOV - Báo Điện tử của Đài Tiếng nói Việt Việt Nam có bài viết "Môn Lịch sử trong sách giáo khoa mới sẽ thay đổi như thế nào?", phỏng vấn Phó giáo sư Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ (thành viên của nhóm biên soạn chương trình sách giáo khao mới).

Từ những ý kiến chia sẻ của thầy Nghiêm Đình Vỳ, chúng tôi muốn tiếp tục trao đổi thêm một số vấn đề về môn học tích hợp có tên gọi “Lịch sử và Địa lí” cấp trung học cơ sở của chương trình phổ thông mới.

Hình minh họa, tranh của họa sĩ Cận.

Thông qua bài viết này, chúng tôi luôn tha thiết đề nghị ban biên soạn cần cân nhắc, nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi gộp các môn học độc lập hiện hành thành những môn học “tích hợp”.

Bởi thông qua ý kiến của thầy Nghiêm Đình Vỳ cũng như một số thầy trong ban soạn thảo chương trình mới đã chia sẻ trước đây thì những nghi ngại của dư luận là hoàn toàn có cơ sở.

Một khi gộp những môn học hiện hành thành môn học “tích hợp” mà những thầy trong ban biên soạn chương trình sách giáo khoa mới cũng chưa lấy được những ví dụ thuyết phục, hay đưa ra những luận điểm khoa học chắc chắn, xin hãy dừng lại.

Không chắc mà cứ làm thì khi áp dụng cho giảng dạy chỉ gây nên những khó khăn cho thầy cô đứng lớp và làm cho nền giáo dục đã rối lại rối thêm.

Sách giáo khoa tích hợp hiện hành muốn biến học sinh tiểu học thành các nhà thông sử?

Không phải đến bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo mới "tích hợp" Lịch sử, Địa lý vào 1 sách. Chương trình hiện hành lớp 4, lớp 5 đã có môn "tích hợp" này.

Theo Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ thì chương trình môn học Lịch sử và Địa lí hiện hành ở lớp 4, 5 của cấp tiểu học sẽ được bổ sung thêm phần thế giới ở chương trình mới như sau:

“Ở cấp Tiểu học sẽ thực hiện tích hợp xuyên môn, không còn riêng môn như truyền thống nữa.

Hiện môn Lịch sử đang học theo kiểu thông sử, từ cổ đại đến hiện đại nhưng trong thời gian tới tích hợp sâu hơn và dự kiến sẽ tích hợp giữa Lịch sử và Địa lý nhưng vẫn có sắc thái riêng của cả hai môn.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lý mới bắt đầu từ lớp 4 và kết thúc ở lớp 5 với việc tìm hiểu các nước láng giềng, khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Đây là điểm mới mà sách giáo khoa hiện hành chưa có”. [1]

Cuốn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 4 hiện nay được trình bày thành 2 phần. Phần lịch sử bao gồm 19 bài, trình bày theo kiểu "thông sử" từ thời kỳ nhà nước Văn Lang cho đến "văn học và khoa học thời hậu Lê".

Theo chúng tôi thấy, để nhớ được các "tri thức thông sử" này đã vô cùng khó khăn đối với học sinh trung học phổ thông chứ đừng nói lớp 4.

Nhưng các nhà soạn sách giáo khoa hiện hành còn cho thêm cả các nội dung rất sâu về sử học để trang bị cho trẻ lớp 4.

Ví dụ Bài 10 Chùa thời Lý; Bài 13. Nhà Trần và việc đắp đê; Bài 17. Nhà Hậu Lê và việc tổ chức quản lý đất nước; Bài 18. Trường học thời Hậu Lê; Bài 19. Văn học và khoa học thời Hậu Lê.

Thiết nghĩ đây là những kiến thức khoa học lịch sử chuyên ngành dành cho các sinh viên khoa Sử hoặc khoa học xã hội có liên quan nhiều đến Sử.

Phần Địa lý được thiết kế 32 bài trong đó có 4 bài ôn tập; trong đó có 7 bài về 7 thành phố: Đà Lạt, Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ chí Minh, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng.
Có thể thấy kiến thức sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 4 quá nặng nề, đồng thời không có bất cứ sự "tích hợp" nào giữa 2 môn này, ngoài việc chúng được nhét vào 1 cuốn sách.

Bìa sách Lịch sử và Địa lý lớp 5. Ảnh: stbhn.edu.vn.

Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 5 cũng vậy, chia thành 2 phần rõ rệt.

Phần Lịch sử học từ cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ cho đến thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước từ 1975 đến nay. Phần 2 là địa lý Việt Nam và địa lý thế giới.

Nay thầy Nghiêm Đình Vì cho biết, “thời gian tới”, tức sách giáo khoa mới sẽ “tích hợp sâu hơn nhưng vẫn giữ được sắc thái riêng của cả hai môn”, là sâu đến đâu?

Quý thầy nhồi nhét bằng đó kiến thức vào đầu con trẻ lớp 4, lớp 5 còn chưa đủ hay sao, mà đòi các cháu học thêm lịch sử và / hoặc địa lý các nước trong khu vực?

Dù không nói ra nhưng lâu nay, giáo viên và phụ huynh ở cấp Tiểu học luôn coi trọng môn các môn học là Toán, Tiếng Việt, khi lên đến lớp 3 thì sẽ thêm môn tiếng Anh nữa.

Môn Lịch sử và Địa lí chưa bao giờ được chú trọng. Bởi những môn học này lâu nay vẫn xem là môn phụ.

Điều này được thể hiện ở cách bố trí số tiết và thực tế giảng dạy, học tập ở trên lớp cũng như học thêm. Chẳng hạn chương trình lớp 4 hiện hành thì môn Tiếng Việt có 7 tiết, môn Toán có 5 Tiết, môn Anh văn có 4 tiết.

Trong khi môn Lịch sử và Địa lí có 2 tiết, nghĩa là mỗi phân môn của môn học này được bố trí 1 tiết/ tuần...

Kiến thức “môn học” này lại vô cùng đồ sộ.

Theo chúng tôi, những nhà biên soạn sách giáo khoa đã quá tham vọng với các em học sinh tiểu học.

Khi các em mới 9-10 tuổi thì việc tiếp cận với những câu chuyện lịch sử và khám phá sơ lược về kiến thức môn học là vừa sức các em, chứ không phải xem các em như cái bồ đựng kiến thức của các bậc giáo sư, tiến sĩ.

Ở cấp học này, những nhà biên soạn sách chỉ cần hướng học sinh đọc thông, viết thạo và làm những phép tính đơn giản chứ chưa cần thiết đi sâu và nâng cao kiến thức môn học.

Có lẽ với lứa tuổi này, những người biên soạn chương trình môn Lịch sử và Địa lí chỉ cần hướng học sinh nắm được những sự kiện, những nhân vật lịch sử tiêu biểu thông qua các câu chuyện;

Cho các em biết cách khám phá những điều sơ đẳng nhất về kiến thức địa lí như thời tiết, khí hậu, sông ngòi, tên các địa danh của đất nước…

Và chỉ cần thế thôi thì mục tiêu cho môn học này ở cấp tiểu học cũng đã đạt rồi.

Vì thế, chúng tôi cũng chỉ mong rằng ban biên soạn hãy đề ra mục tiêu vừa phải, đừng quá tham vọng trang bị kiến thức bề rộng quá nhiều mà dẫn đến việc học sinh học xong cũng chẳng nắm được cái gì về môn học.

Học chỉ để đối phó và lấy điểm thì mục đích cuối cùng cho giáo dục tiểu học cũng chẳng đi đến đâu.

Vì vậy, việc quan trọng nhất là giúp cho học sinh yêu thích môn học trước khi nghĩ đến chuyện trang bị tri thức quá nhiều cho môn học.

Ở cấp Trung học mới nghĩ được 4 chủ đề “tích hợp” Lịch sử và Địa lý?

Việc tích hợp hai môn học Lịch sử, Địa lí thành môn học mới là Lịch sử và Địa lí đã được dư luận nói nhiều trong thời gian qua.

Tuy nhiên, về khoa học thì chúng tôi e rằng các nhà biên soạn đã đang cố gán ghép các môn học thuần túy lại với nhau để làm phức tạp thêm vấn đề.

Ngay cả những nhà biên soạn sách cũng đang thể hiện sự mâu thuẫn trong việc hướng tới các chủ đề tích hợp môn học.

Chúng tôi cảm thấy chưa hề yên tâm với những chia sẻ của thầy Nghiêm Đình Vỳ đối với những chủ đề tích hợp mà ban biên soạn “đã nghĩ ra”:

“Ở cấp trung học cơ sở, học sinh phải học những thứ truyền thống và chuyên sâu theo thông sử.

Nhưng dự kiến cũng sẽ tích hợp giữa Lịch sử và Địa lý trong nội dung cụ thể của chương và theo các chủ đề chung.


Hiện tại, nhóm đã nghĩ ra được 4 chủ đề: Chẳng hạn chủ đề biển đảo, chủ đề đô thị, chủ đề Việt Nam trên con đường đổi mới, chủ đề văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long...”. [1]

Đề án viết lại chương trình, sách giáo khoa được thầy Phạm Vũ Luận, thầy Nguyễn Minh Hiển manh nha năm 2008, chính thức đặt vấn đề năm 2011 và đến 2014 thì được thông qua bằng Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc chuẩn bị mấy năm trời cho việc “tích hợp” 2 môn xã hội, 3 môn tự nhiên thành 2 môn học mới.

Vậy mà chuẩn bị đến ngày chuẩn bị công bố chương trình môn học (trước ngày 12/1/2018), ban biên soạn mới cho biết là “đã nghĩ được 4 chủ đề” cho cấp học trung học cơ sở suốt 4 năm học, quả thực chúng tôi với kiến văn ít ỏi của mình, không thể nào hiểu nổi.

Chỉ là một giáo viên bình thường, chúng tôi cũng ý thức rằng trong khoa học thì phải nghiên cứu, phản biện và thử nghiệm để tìm kiếm giải pháp tối ưu mà còn khó khăn.

Đằng này, các nhà biên soạn chỉ ngồi “nghĩ ra”, mà chương trình của 4 năm học mới “nghĩ ra” được 4 chủ đề, thì tích hợp làm chi để khổ cả thầy lẫn trò chúng tôi?

Theo chúng tôi, các nhà biên soạn sách giáo khoa mới đang rất tham vọng trong việc chủ trương trang bị sâu về kiến thức ở cấp trung học cơ sở, bởi theo lí giải của thầy Nghiêm Đình Vỳ:

“Ở cấp trung học cơ sở, học sinh phải học những thứ truyền thống và chuyên sâu theo thông sử”.

Thế nhưng, quý thầy lại đang tìm mọi cách cố gò 2 môn học này vào 1 cuốn sách, cũng tương tự như gò 3 môn Vật Lý, Hóa học, Sinh học vào 1 sách Khoa học Tự nhiên, thì vô hình trung lại tự tạo ra sự mâu thuẫn cho mục tiêu của môn học.

Chúng tôi không phản đối phương pháp dạy học tích hợp, ngược lại còn cho rằng đây là một xu hướng của giáo dục hiện đại.

Nhưng chắc chắn tích hợp không phải là những phép cộng đơn thuần hay cách gò cơ học các môn học lại với nhau. Tích hợp kiểu “thịt chó - nước chè” như đang làm hiện nay là phản khoa học.

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tich-hop-Lich-su-va-Dia-li-nhom-bien-soan-moi-nghi-duoc-4-chu-de-post182788.gd

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.