Header Ads

“Tích hợp” 1 sách 3 thầy, xin đừng cố đấm ăn xôi




(GDVN) - Cái gì quý thầy chưa thực nghiệm và thực chứng, xin đừng cố đấm ăn xôi, bởi tương lai của cả một dân tộc đang đặt cả vào tay quý thầy.
Kể từ khi công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến 2 môn “tích hợp” mới ở bậc trung học cơ sở. 
Trên diễn đàn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đã có nhiều bài viết từ các thầy cô giáo đang trực tiếp đứng lớp đặt ra nhiều câu hỏi cụ thể, trực tiếp và xác đáng về “tích hợp” 2 môn hoặc 3 môn vào 1 sách.
Tiếc rằng những câu hỏi rất cụ thể về 2 môn “tích hợp” này chưa được các nhà biên soạn trả lời thấu đáo. Vòng vo mãi, rồi quý thầy im lặng.
Các thầy cô giáo và bạn đọc quan tâm có hỏi thêm, nhưng không thấy các thầy biên soạn chương trình mới trả lời, nên đành chờ ngày công bố chương trình các môn học mới xem mặt ngang mũi dọc 2 môn “tích hợp” ra sao.
"Ru ngủ bằng câu chữ"
Ngày 19/1/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình các môn học, chúng tôi không tìm thấy câu trả lời khoa học, thuyết phục về việc cần phải “tích hợp” Lịch sử với Địa lý; Vật lý, Hóa học với Sinh học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp báo công bố dự thảo các chương trình môn học ngày 19/1, ảnh: Báo Điện tử VTV.vn.
Về môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở "tích hợp" 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hiện nay, phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, chủ biên chương trình môn "tích hợp" này được Báo điện tử Zing.vn dẫn lời cho biết:
“Tách Vật lý - Hóa học - Sinh học thì giải quyết vấn đề thực tiễn sẽ không toàn vẹn. Vì vậy, đây là môn học chứ không phải tách ba môn riêng." [1]
"Đây (môn Khoa học tự nhiên) là một môn học, chứ không phải ba môn vật lý, hóa học, sinh học cộng lại. 
Mạch kiến thức sẽ được tiếp nối từ tiểu học lên, nên học sinh không gặp khó khăn.
Khó khăn tập trung ở các nhà trường, giáo viên khi phải xây dựng kế hoạch dạy học, chuẩn bị cơ sở vật chất và tập huấn giáo viên. 
Chúng tôi xây dựng nội dung tích hợp ở mức vừa phải để giáo viên vật lý vẫn có thể dạy được mạch kiến thức vật lý trong môn học. Tương tự như thế với môn sinh học, hóa học". [2]
Nếu đã không phải “3 môn cộng lại”, thì sao thầy Tuấn lại đặt vấn đề “xây dựng nội dung tích hợp ở mức vừa phải để giáo viên vật lý vẫn có thể dạy được mạch kiến thức vật lý trong môn học”?
Bởi giáo viên Vật lý dạy được 2 môn còn lại mới là vấn đề chương trình môn Khoa học tự nhiên phải giải quyết.
Chứ thầy dạy Lý “vẫn có thể dạy được mạch kiến thức Vật lý” thì có gì phải nói, bởi đó là lẽ đương nhiên như Mặt trời mọc đằng Đông và lặn đằng Tây vậy.
Hai là, nếu không phải “3 môn cộng lại”, mà là 1 môn học, vậy thì 3 giáo viên Lý - Hóa - Sinh hiện nay ai về, ai ở? Dựa vào tiêu chí nào để chọn lựa? 
Về việc "tích hợp" Lịch sử với Địa lý, trước khi công bố dự thảo chương trình môn học các nhà biên soạn chương trình "đã nghĩ ra 4 chủ đề tích hợp", như Phó giáo sư Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ tiết lộ với báo giới. [4]
Và đến khi công bố dự thảo chương trình môn Lịch sử và Địa lý, quý thầy phụ trách chương trình môn Lịch sử và Địa lý vẫn chưa vẽ nên chân dung "tích hợp" 2 môn này ra sao. [5]
Tính cua trong lỗ?
Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo được Báo Điện tử Zing.vn dẫn lời ngày 21/1 thì:
Bộ cũng lên kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp. Theo tính toán, mỗi giáo viên sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (mỗi tín chỉ 15 tiết) để dạy tích hợp. Khi đó, giáo viên Lịch sử có thể dạy cả Địa lý và ngược lại. [3]
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm:
"Giáo viên các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý sẽ được tập huấn như giáo viên môn học khác. 
Nhưng bên cạnh đó, họ sẽ được học các tín chỉ để có thể một mình đảm nhiệm được môn học". [2]
Quý thầy Nguyễn Minh Thuyết, thầy Mai Sỹ Tuấn, thầy Hoàng Đức Minh dự tính đào tạo trong bao lâu thì một giáo viên đơn môn hiện nay đảm đương được nốt 2 “phân môn” còn lại? 
Quý thầy đã thực nghiệm 2 môn “tích hợp” này chưa, tiến hành khi nào, ở đâu, kết quả ra sao? Ai dám chắc chắn học 20 tín chỉ là giáo viên Lý dạy được cả Sinh lẫn Hóa?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới trong buổi họp báo công bố dự thảo các chương trình môn học ngày 19/1, ảnh: Báo Điện tử VTV.vn.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết còn được Báo Điện tử Zing.vn dẫn lời phát biểu tại buổi công bố dự thảo các chương trình môn học ngày 19/1, rằng:
"Chúng ta còn 3-4 năm để chính thức triển khai chương trình. Thời gian này cũng đủ để tạo ra đội ngũ người thầy dạy cho những môn học tích hợp mới”. [6]
Chúng tôi thấy phát biểu này có gì đó...sai sai, nếu câu nói trên là của thầy Tổng chủ biên. 
Mặc dù Quốc hội cho phép lùi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tối đa 2 năm nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang quyết tâm chỉ lùi 1 năm.
Cụ thể, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng tuần tự trong từng cấp học từ năm học 2019-2020 đối với lớp đầu cấp tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp đầu cấp trung học cơ sở…[7]
Nói cách khác, chỉ 2 năm nữa là phải triển khai đại trà sách giáo khoa "tích hợp" Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên lớp 6 trên cả nước rồi, lấy đâu ra còn "3-4" năm nữa?
Cho dù có còn 3-4 năm nữa, nhưng sách giáo khoa "tích hợp" chưa có, lấy gì để thị phạm trong đào tạo các giáo sinh?
Những tiếng nói thẳng thắn, lẻ loi
Ngày 20/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.
Chính các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đặt ra những câu hỏi về 2 môn "tích hợp" kiểu mới với các thầy chủ biên, tổng chủ biên nhưng chúng tôi không thấy có câu trả lời nào thỏa đáng cho những câu hỏi của 2 thầy.
Thầy Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ nêu lên băn khoăn về việc dạy học tích hợp liên môn: 
“Để chuẩn bị, chúng tôi đã tổ chức những tiết dạy mẫu, tìm ra những thầy cô dạy tiết mẫu, nhưng quả thật vẫn rất lúng túng. Khái niệm thế nào là tích hợp liên môn, chúng tôi rất băn khoăn”.
Đồng quan điểm này, thầy Đoàn Công Thạo, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình) cho hay: 
“Để dạy được tích hợp, quận Ba Đình cũng đã chuẩn bị, tổ chức ở nhiều trường. Trường tôi cũng tham gia các hoạt động tích hợp như các câu lạc bộ STEM,…
Nhưng băn khoăn của chúng tôi là về nguồn nhân lực. 
Chúng ta muốn giáo viên không phải “dạy trái tay” nhưng với dạy học tích hợp với thực tế đội ngũ giáo viên hiện nay thì thử hỏi đã đáp ứng được thật chưa?
Tôi nghĩ thật không đơn giản. Như bản thân tôi là giáo viên dạy Vật lý nhưng không đơn giản là vào dạy được cả kiến thức Hóa học và Sinh học." [8]
Chúng tôi tìm đọc câu trả lời của quý thầy Tổng chủ biên, chủ biên môn học “tích hợp” hiện diện trong hội nghị này, nhưng không thấy. 
Các câu hỏi được thầy Lê Hồng Vũ, thầy Đoàn Công Thạo nêu ra về 2 môn tích hợp là rất xác đáng, thiết thực và cần phải được trả lời đến nơi đến chốn, chứ không thể đánh bùn sang ao.
Xin đừng cố đấm ăn xôi
Do đó chúng tôi xin mượn lời giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cảnh báo Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội chớ để “câu chữ ru ngủ” khi nhận xét đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra năm 2014, lúc ông chưa được chọn làm Tổng chủ biên.
Rất mong quý thầy hãy trả lời thẳng những câu hỏi rất cụ thể về "tích hợp", xin đừng dùng câu chữ ru ngủ dư luận.
Nói một cách sòng phẳng, quý thầy đã nghiên cứu đông tây kim cổ đủ cả, đã xuất ngoại tìm hiểu các nền giáo dục tiên tiến;
Vậy xin quý thầy giới thiệu một vài cuốn sách giáo khoa “tích hợp” Lịch sử với Địa lý; Vật lý, Hóa học với Sinh học bậc trung học cơ sở ở các nước tiên tiến quý thầy đã tham quan cho dư luận được mở rộng tầm mắt.
Đừng để như mô hình VNEN, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi còn tại vị trả lời Quốc hội rằng, mô hình này mới với Việt Nam thôi, còn "thế giới" người ta làm lâu rồi, mà chẳng rõ là "thế giới" nào. 
Tiếp đó, xin quý thầy cung cấp các bằng chứng khoa học thực nghiệm và kết quả thực nghiệm 2 môn “tích hợp” này với học sinh và cơ sở giáo dục phổ thông Việt Nam. 
Nếu không, thì cũng xin được nhắc lại lời thầy Nguyễn Minh Thuyết, rằng cho trẻ em học sách chưa qua thẩm định (một cách khoa học và khách quan, minh bạch và kiểm chứng được - người viết lưu ý), chẳng khác nào cho các em sử dụng thuốc chưa qua kiểm định của Bộ Y tế.
Chúng tôi chỉ mong rằng, bằng tất cả tin thần khoa học, trung thực, khách quan và cầu thị, cái gì quý thầy chưa rõ hoặc chưa trả lời được rốt ráo, đầy đủ, thuyết phục; cái gì quý thầy chưa thực nghiệm và thực chứng, xin đừng cố đấm ăn xôi, bởi tương lai của cả một dân tộc đang đặt cả vào tay quý thầy.
Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để nâng tầm dân tộc, cho dù Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã rót rất nhiều tiền của, quan tâm và công sức cho giáo dục. Xin đừng để lại lỡ thêm một chuyến đò, một chuyến đò của hàng chục thế hệ.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tich-hop-1-sach-3-thay-xin-dung-co-dam-an-xoi-post183242.gd

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.