Header Ads

Thương mại điện tử gia tăng, làng gốm Bát Tràng vắng khách?




Kinhtedothi – Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, nhiều người ở làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết: “Thương mại điện tử gia tăng, sản phẩm gốm bán trên mạng ngày càng nhiều, khiến cho làng gốm Bát Tràng đìu hiu”.
Giá bán thấp, vẫn vắng khách
Gia đình chị Hiền vừa có lò sản xuất gốm và bán đến tận tay khách hàng tại chợ của làng chia sẻ: Khách hàng về làng gốm vừa được tham quan, lựa chọn mua sắm vừa ý, giá lại rẻ. Trước kia cứ từ tháng 8 trở về cuối năm, làng gốm trở nên nhộn nhịp. Nhưng bây giờ, do người ta kinh doanh bán hàng qua mạng nhiều, mua bán tiện, năm nay mãi đến tháng 10 Âm lịch làng gốm mới đông khách, nhưng cũng không đông như mọi năm.
Chị Tân cũng có cửa hàng bán tại chợ gốm Bát Tràng cho biết: Bây giờ, nhiều người cứ tiện mua trên mạng không phải đi, nhưng không được nhìn tận mắt và đặc biệt giá ở trên mạng rất cao. Ví dụ chúng tôi bán 1 bộ ấm chén chỉ khoảng 70.000 – 80.000 đồng/bộ, nhưng trên mạng đều bán từ 150.000 – 250.000 đồng/bộ. Nhiều bộ ấm chén cao cấp trên mạng bán vô giá, gấp từ 2-3 lần giá bán sản phẩm cùng loại tại làng nghề.
Theo quan sát và tìm hiểu của phóng viên, những ngày cuối tuần cách Tết khoảng 1,5 tháng, làng nghề gốm Bát Tràng không có nhiều khách. Chủ yếu là những khách hàng mua nhỏ lẻ cho trang trí căn hộ. Số lượng chủng loại và giá bán các sản phẩm ở đây khá đa dạng. Các sản phẩm có giá từ 5.000 đến nhiều triệu đồng/1 sản phẩm. Những sản phẩm cao cấp như lọ lục bình tại làng nghề bán với giá từ 3 triệu đến trên 30 triệu/1 đôi cao từ 1,4 đến trên 1,8 tùy theo hoa văn, độ tinh xảo đắp, vẽ trên lọ. Tuy nhiên, tìm hiểu trên mạng những đội lọ lục bình tương tự đều bán với giá không thấp hơn 4 triệu đồng.
Theo những người dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng, thời điểm cách Tết Nguyên đán gần 1 tháng, hàng năm làng nghề Bát Tràng đã nhộn nhịp người mua, người bán. Nhưng năm nay lượng khách đến với làng gốm chỉ bằng khoảng 50-60% so với cùng thời điểm những năm trước. 
Xây dựng làng nghề và quản lý giá trên không gian mạng
Thành phố Hà Nội đang xây dựng đề án phát triển làng nghề du lịch hai đối với làng gốm Bát Tràng. Đây là 1 trong 2 làng nghề cùng với Vạn Phúc được xướng lên đầu tiên trong hàng trăm làng nghề của vùng đất Thăng Long để phát triển giữa sản xuất kinh doanh với du lịch.
Mục đích của TP Hà Nội rất rõ ràng, nhằm phát triển bảo tồn nghề thủ công, với những sản phẩm ứng dụng độc đáo, vừa giữ được không gian của làng cổ. Ngoài việc đầu tư về hạ tầng, đưa ứng dụng công nghệ tiên tiến kết hợp với sản xuất thủ công, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, sản phẩm quà tặng du lịch và xuất khẩu.
Theo những người sản xuất, kinh doanh tại làng nghề cho biết: Làng nghề Bát Tràng được TP ưu tiên xây dựng, bảo tồn nghề truyền thống. Tuy nhiên, nếu chỉ phát triển quy hoạch lại sản xuất, phát triển hạ tầng đồng bộ chưa đủ. Mà cần xây dựng chợ gốm trên không gian mạng. 
Đây là một đề xuất hợp lý trong thời điểm công nghệ 4.0, thương mại điện tử đang bùng nổ phát triển ở mọi ngành, hàng, lĩnh vực. Nếu phát triển chợ thương mại điện tử gốm Bát Tràng không chỉ tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước quản lý giá các mặt hàng gốm trên thị trường, bán đúng giá, rõ xuất xứ nguồn gốc sản phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo. Điều mong đợi nhất của những người thợ gốm Bát Tràng đó là: Sản phẩm của họ làm ra không còn ế ẩm như hiện nay mà nó đến với người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi chỉ bằng một cách nhấp chuột.
http://kinhtedothi.vn/thuong-mai-dien-tu-gia-tang-lang-gom-bat-trang-vang-khach-307362.html


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.