Header Ads

Thông tư 17 đang tiếp sức, tạo điều kiện để trung tâm dạy thêm nở rộ

(GDVN) - Trung tâm dạy thêm của tổ trưởng, ban giám hiệu thắng áp đảo vì họ là người biết trước đề kiểm tra một tiết, đề thi giữa và cuối kì sẽ ra thế nào.
LTS: Từ quan sát thực tế việc dạy thêm và học thêm sau khi có Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, cô giáo Thuận Phương cho rằng thông tư này đang "vẽ đường cho hươu chạy", không ít nhà trường và thầy cô lợi dụng thông tư này để mờ lò dạy thêm học sinh chính khóa.
Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc, văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định việc mở trung tâm dạy thêm khá thoáng. Vì thế người người đua nhau mở trung tâm dạy thêm để kiếm tiền hợp pháp. 
Chỉ một huyện thị nhỏ nơi chúng tôi công tác nhưng có tới vài chục cái trung tâm dạy thêm, trung tâm bồi dưỡng văn hóa. 
Mỗi ngày có hàng ngàn học sinh phải đến các trung tâm này hỏi sao nạn dạy thêm không thể nào chấm dứt được?
Những quy định cho có
"Điều 13. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
1. Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm lập hồ sơ cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định tại điều 12 quy định này; 
Những lớp dạy thêm tại nhà hay ở trung tâm như thế này khá phổ biến tại thành phố Hồ Chí Minh, ảnh minh họa, nguồn: Đào Ngọc Thạch / Báo Thanh Niên.
(Điều 12 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm
1. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:
a) Tờ trình xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm;
b) Danh sách trích ngang người đăng ký dạy thêm đảm bảo các yêu cầu tại điều 8 quy định này.
c) Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm; địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm; mức thu và phương án chi tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm.
2. Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:
a) Đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, trong đó cam kết với Uỷ ban nhân dân cấp xã về thực hiện các quy định tại khoản 1, điều 6 quy định này;
b) Danh sách trích ngang người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
c) Đơn xin dạy thêm có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm và có xác nhận theo quy định tại khoản 5, điều 8 quy định này;
d) Bản sao hợp lệ giấy tờ xác định trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
đ) Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
e) Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm).
Gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
2. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm tra địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc trả lời không đồng ý cho tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm bằng văn bản."
Nhờ những quy định thoáng thế này nên việc mở một trung tâm dạy thêm chẳng khó gì. Giáo viên chỉ cần có căn nhà, có vài phòng rộng rãi là có thể đăng kí làm trung tâm dạy thêm.
Điều 4 trong Thông tư quy định:
“Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường…”. 
Nếu quy định thế này thì sẽ không xảy ra tình trạng các trung tâm dạy thêm mọc lên như nấm và tình trạng dạy thêm sẽ không tràn lan, biến tướng như hiện nay. 
Nhưng Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT lại mở thêm cho giáo viên một “con đường tơ lụa” sáng lạn sau quy định ấy “… có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”
Có thể hiểu thế này “giáo viên đang dạy trong các trường công lập sẽ không được tổ chức dạy thêm bên ngoài (không được thành lập trung tâm dạy thêm, trung tâm bồi dưỡng kiến thức” nhưng vẫn được tham gia dạy thêm ở những trung tâm ấy. 
Lợi dụng điều này khá nhiều giáo viên ở hai bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông (chủ yếu giáo viên giảng dạy các môn có thể đi học thêm) xin giấy phép thành lập trung tâm nhưng thuê người khác đứng tên. 
Theo lẽ thường, trung tâm dạy thêm sẽ chiêu sinh và mở lớp rồi hợp đồng giáo viên giỏi, giáo viên uy tín trong vùng tới giảng dạy. Trung tâm sẽ thu tiền và trả lương cho họ thì các trung tâm này chủ yếu “tự phục vụ”. 
Giáo viên tự chiêu sinh học trò trên trường đưa về trung tâm dạy, ai chiêu sinh được nhiều thì hưởng nhiều và trích % thỏa thuận cho trung tâm. Tùy từng trung tâm quy định để % trích lại dao động từ 10-20%. 
Để thu hút học sinh trong trường mình đến học nhiều, giáo viên đã phải ngầm cạnh tranh với nhau. 
Vì đồng tiền, tình đồng nghiệp cũng bị đặt sang một bên. Người này nói xấu, hạ uy tín người kia trước mặt học sinh. 
Đã có những giáo viên thẳng từng chê bai đồng nghiệp cùng dạy chung môn với mình trước mặt học sinh: “Cô (thầy) ấy chỉ dạy đại trà làm gì có khả năng dạy nâng cao?” 
Rồi những pha chiêu dụ trò được tung ra nhưng bao giờ phần thắng cũng thuộc về trung tâm của tổ trưởng chuyên môn và Ban Giám hiệu (hiệu trưởng, hiệu phó cũng có trung tâm riêng) nhà trường. 
Nói các trung tâm dạy thêm của tổ trưởng, ban giám hiệu thắng áp đảo vì họ là người biết trước đề kiểm tra một tiết, đề thi giữa và cuối kì sẽ ra thế nào. 
Một trường trung học phổ thông huyện nơi chúng tôi dạy, trung tâm dạy thêm của thầy hiệu phó, thầy tổ trưởng tổ Toán và cô tổ trưởng Anh văn bao giờ cũng đông nghẹt học sinh tới học. 
Có em học quanh năm nhưng khá nhiều em học thời vụ vì các em bật mí: “Con chỉ đi học thời gian gần thi để làm bài cho tốt, chứ học thêm cả năm nhà con không có điều kiện”.
Thanh kiểm tra kiểu ‘cưỡi ngựa xem hoa”
Điều 20 có quy định rõ việc thanh kiểm tra:
Một lá đơn kêu cứu của phụ huynh học sinh có con không đi học thêm bị giáo viên trù dập, ảnh: Giaoduc.net.vn.
“Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: 
Hồ sơ cấp giấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; danh sách người học thêm; thời khóa biểu dạy thêm; đơn xin học thêm, hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành”.
Thế nhưng khi kiểm tra người ta chỉ chú trọng đến hồ sơ sổ sách như có giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm không?
Danh sách người dạy thêm, thời khóa biểu, đơn xin học thêm, hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành mà quên (hoặc cố tình quên) khâu quan trọng nhất đó là danh sách người học thêm. 
Bởi lấy danh sách này đối chiếu với danh sách học sinh trong trường sẽ biết ngay chính giáo viên đang vi phạm quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT là dạy chính học sinh của mình trên lớp. 
Chỉ vi phạm quy định này cũng đủ ra quyết định đình chỉ việc dạy thêm của trung tâm và của chính giáo viên. 
Thế nhưng chẳng hiểu sao chưa bao giờ các trung tâm để xảy ra chuyện này mặc dù những trung tâm này hầu như toàn dạy học sinh của chính những giáo viên đang dạy ở đây. 
Sự dễ dãi của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và sự buông lỏng của các cấp quản lý địa phương đã góp phần hợp thức hóa dạy thêm trái phép thành dạy thêm hợp pháp. 
Vì thế dù có bao nhiêu công văn, văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh thì tình trạng dạy thêm học thêm vẫn “vững như kiềng ba chân”. 
Thế nên chúng tôi thiết nghĩ, bỏ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, cấm giáo viên đang hưởng lương từ ngân sách không được dạy thêm là biện pháp duy nhất chấn chỉnh tình trạng dạy học thêm tràn lan như hiện nay.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thong-tu-17-dang-tiep-suc-tao-dieu-kien-de-trung-tam-day-them-no-ro-post183138.gd

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.