Header Ads

Thời điểm “vàng” để đầu tư các dự án biến rác thành điện

Hơn bao giờ hết, hiện nay là thời điểm vàng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện những dự án biến rác thành điện, như nhiều nước trên thế giới đã làm trong hàng chục năm nay.

Việc xử lý rác thải thành năng lượng (Waste to Energy) đã tồn tại từ lâu ở các nước phát triển do lượng nhiệt sinh ra từ quá trình đốt rác có thể sử dụng để sản xuất hơi nước hay nước nóng trong các lò hơi phục vụ cho nhu cầu sưởi ấm ở các nước ôn đới, còn để phát điện thì muộn hơn nhiều.
Theo thông tin trên Hà Nội Mới, một số sáng chế nộp đơn đăng ký bản quyền từ đầu những năm 1980 cho việc đốt chất thải phát điện. Khoảng đầu những năm 2000, những lò đốt rác và những trung tâm xử lý rác lớn ra đời và phát triển mạnh hơn với lượng rác đốt lớn để có thể sản xuất hơi quá nhiệt để làm quay turbine cho sản xuất điện.
Vậy công nghệ đốt rác phát điện hoạt động thế nào? Chúng ta hãy xem quy trình cơ bản của một mô hình đốt rác phát điện:
Thu gom và phân loại rác. Việc thu gom và phân loại rác thải là vấn đề quan trọng để xử lý rác hiệu quả. Đặc điểm chung của rác thải là tính chất đa dạng với nhiều loại hình từ kim loại, mảnh sành sứ, rác thải hữu cơ từ thực phẩm, giấy, nilon và các sản phẩm cao su, plastic và nhiều khi có cả đất đá nữa. Trong các thành phần rác thải như vậy, việc thu gom và đốt rác sẽ gặp các vấn đề sau:
- Nếu rác thải có quá ít thành phần cháy được hoặc rác quá ẩm, việc đốt rác là không khả thi vì lượng nhiệt sinh ra không đủ cho quá trình cháy tiếp diễn lâu dài. Điều này thường xảy ra với những khu vực có nhiều lượng rác hữu cơ;
- Thành phần rác có chứa nhiều nilon hay các hợp chất nhựa, thực phẩm dạng thịt, cao su, vải vụn, pin. v.v... thì hàm lượng chất cháy nhiều hơn nhưng thường có những phát thải độc hại có tính axit cao và những phát thải furan, Dioxin, hơi chì gây độc hại cho môi trường;
- Thành phần rác thải chứa nhiều cục lớn, cứng, cồng kềnh gây khó khăn trong việc chuyên chở, phân loại loại bỏ;
- Việc thu gom và tập kết rác thải luôn gây ô nhiễm mùi khiến cho người lao động và các hộ dân sống gần nơi tập kết và nhà máy xử lý chịu ảnh hưởng trực tiếp và trong nhiều trường hợp sẽ phát sinh những phản đối mạnh mẽ.
Lò hơi đốt rác sản xuất hơi quá nhiệt.
Chế biến rác thải thành nhiên liệu. Với đặc tính rác thải đa dạng như vậy, việc chế biến rác thải thành nhiên liệu bao gồm các công đoạn sau:
- Phân loại thành phần rác thải thành dạng cháy được bao gồm có các loại giấy, nilon, cao su v.v.; dạng hữu cơ ngâm ủ được bao gồm các loại phế thải rau, củ, quả và thực phẩm thừa, dạng chất trơ không cháy được bao gồm các loại đất đá, sành sứ, vật liệu xây dựng v.v. Việc phân loại này chỉ có thể thực hiện một cách tương đối với các hệ thống máy phân loại hiện nay.
- Các hợp chất cháy được có thể được tách ra cho ráo nước để sấy khô, nghiền chế biến thành các viên nhiên liệu hoặc đốt luôn tùy theo dạng công nghệ sử dụng.
- Các hợp chất hữu cơ có thể đem chôn lấp đúng kỹ thuật hoặc ngâm ủ để sản sinh khí sinh học CH4 và sau đó đốt khí này trong lò hơi.
- Các chất trơ có thể đem chôn lấp.
Các dự án đốt chất thải rắn kết hợp phát điện ở Việt Nam
- Dự án đốt chất thải rắn kết hợp phát điện của Công ty Waste to Energy Pte.Ltd. (Singapore).
- Dự án đốt chất thải rắn kết hợp phát điện tại TP.HCM, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Khu kinh tế Dung Quất của Công ty Fluid Tech (Australia).
- Dự án xử lý rác bằng nhiệt phân (Liên doanh giữa Công ty Đại Lâm và Entropic Energy Co, Hoa Kỳ).
- Dự án đốt chất thải rắn kết hợp phát điện của Công ty Keppel – Singapore đãnghiên cứu khả thi cho dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 1.000-2.000 tấn/ngày cho TP.HCM.
Để khuyến khích việc xử lý hiệu quả chất thải rắn cho sản xuất năng lượng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích như giá mua điện (FIT) ở mức 10,05 US cents/kWh cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn sử dụng công nghệ đốt trực tiếp theo Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 32/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu. Theo chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo được phê duyệt, tỷ lệ xử lý chất thải rắn đô thị cho mục tiêu năng lượng dự kiến sẽ tăng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, và xấp xỉ 70% vào năm 2030 và phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị sẽ được sử dụng cho mục đích sản xuất năng lượng vào năm 2050.
http://www.moitruongvadothi.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cong-nghe-moi/thoi-diem-vang-de-dau-tu-cac-du-an-bien-rac-thanh-dien-a21702.html

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.