Header Ads

Môn Mỹ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông có gì mới?

Trong Chương trình giáo dục phổ thông, môn Mỹ thuật được thực hiện dạy học ở cả ba cấp và được chia thành hai giai đoạn.

Vị trí của môn học
Cụ thể, hai giai đoạn gồm:
Giai đoạn giáo dục cơ bản: Mỹ thuật là môn học bắt buộc
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề: Mỹ thuật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Là môn học thuộc lĩnh vực nghệ thuật thị giác, mỹ thuật có vai trò chủ yếu trong việc bồi dưỡng, giáo dục thẩm mỹ, góp phần đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hòa về đức, trí thể, mỹ cho học sinh.
Mục tiêu chương trình
Thông qua nội dung kiến thức phổ thông cơ bản về mỹ thuật, chương trình môn Mỹ thuật góp phần hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thẩm mỹ; bồi dưỡng cho học sinh ý thức tôn trọng sản phẩm văn hoá, nghệ thuật và khả năng ứng dụng năng lực thẩm mỹ vào đời sống; trang bị cho học sinh cái nhìn tương đối tổng quát về những ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác, để giúp định hướng nghề nghiệp sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Thông qua nội dung và phương pháp giáo dục, môn Mỹ thuật góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, có tinh thần trách nhiệm; các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Giai đoạn giáo dục cơ bản: Mỹ thuật là môn học bắt buộc (ảnh: Minh họa)
Quan điểm xây dựng chương trình
Xuất phát từ đặc trưng của môn học, Chương trình môn Mỹ thuật nhấn mạnh các quan điểm xây dựng chương trình như: khoa học và hiện đại; hệ thống và cơ bản; thực hành và thực tiễn; mở và liên thông.
Chương trình tạo cho học sinh cơ hội tiếp cận văn hóa, nghệ thuật dân tộc và thế giới dựa trên cơ sở những kiến thức cơ bản của nghệ thuật thị giác kết hợp với những kiến thức thuộc các lĩnh vực khác của giáo dục phổ thông.
Chú trọng vận dụng đa dạng hình thức thực hành sáng tạo, gắn kiến thức mỹ thuật với thực tiễn cuộc sống thông qua lồng ghép hoạt động thảo luận nghệ thuật và hoạt động thực hành nghệ thuật để phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh.
Ngoài ra, chương trình cũng hướng học sinh tới nhận thức các giá trị thẩm mỹ phù hợp với truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc và thời đại; giúp học sinh hình thành, phát triển những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam và những giá trị phổ quát của công dân toàn cầu.
Nội dung giáo dục
Kết cấu chương trình môn Mỹ thuật lấy trục phát triển chính là những kiến thức cốt lõi của mỹ thuật gồm các yếu tố tạo hình và các nguyên lý tạo hình cơ bản, nhằm bồi dưỡng, phát triển năng lực thẩm mỹ thị giác cho học sinh.
Nội dung dạy học bao gồm: mỹ thuật tạo hình, mỹ thuật ứng dụng và thảo luận nghệ thuật được lồng ghép trong thực hành nghệ thuật. Ở cấp tiểu học, chương trình tạo cơ hội cho học sinh thông qua mỹ thuật để tìm hiểu, khám phá, biểu đạt bản thân và thế giới xung quanh.
Ở cấp trung học cơ sở, chương trình đảm bảo cho học sinh tiếp cận với các trường phái, phong cách, di sản văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam và thế giới để vận dụng vào thực hành, sáng tạo thẩm mỹ gắn với thực tiễn đời sống.
Cấp trung học phổ thông, chương trình được mở rộng, phát triển theo hướng tiếp cận đa ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và được thiết kế thành các học phần; bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, chương trình thiết kế các chuyên đề học tập, đáp ứng sở thích và thiên hướng phát triển mỹ thuật, chuẩn bị tham gia đời sống xã hội của học sinh.
Phương pháp giáo dục
Việc đổi mới phương pháp dạy học Mỹ thuật theo hướng tiếp cận năng lực là trọng tâm của Chương trình. Dạy học Mỹ thuật theo quan điểm phát triển năng lực không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh mà chú trọng rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề thẩm mỹ gắn với những tình huống của cuộc sống.
Thông qua lồng ghép thảo luận nghệ thuật và thực hành nghệ thuật, học sinh vừa là “người sáng tạo nghệ thuật” vừa là “người thưởng thức nghệ thuật”, đồng thời là người góp phần xây dựng, phát triển đời sống thẩm mỹ.
Chương trình chú trọng tổ chức cho học sinh học tập thông qua hoạt động trải nghiệm trong môi trường đa dạng, trong lớp học, ngoài cuộc sống, với các hình thức thực hành, sáng tạo, vận dụng các chất liệu, vật liệu sẵn có ở địa phương, vật liệu sưu tầm, tái sử dụng trong cuộc sống.
Chương trình chủ trương phối hợp sử dụng các công cụ, phương tiện học tập truyền thống với khai thác, sử dụng những thiết bị công nghệ, nguồn tài liệu internet một cách phù hợp trong tổ chức dạy học, nhằm tạo cơ hội để học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng, tạo ra sản phẩm mỹ thuật mang tính thời đại, gắn với thực tiễn đời sống.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề: Mỹ thuật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. (Ảnh: Minh họa)
Đánh giá kết quả giáo dục
Mục đích của đánh gia kết quả GD là đối chiếu, so sánh năng lực học sinh đạt được với mục tiêu mà môn học đã đặt ra. Chương trình đặt trọng tâm đánh giá khả năng nhận thức thẩm mỹ, khả năng vận dụng kiến thức trong thực hành, sáng tạo và giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn.
Phương pháp đánh giá chủ yếu là đánh giá quá trình kết hợp với đánh giá tổng kết thông qua sử dụng những công cụ đánh giá như quan sát, nhận xét sản phẩm, dự án nhỏ, hồ sơ học tập… nhằm có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động dạy và học.
Điều kiện thực hiện chương trình
Việc thay đổi chương trình định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực cho học sinh, giáo viên cần có cách tiếp cận mới. Ở cấp tiểu học, giáo viên có thể thực hiện được chương trình trên cơ sở tiếp cận kết quả Dự án Hỗ trợ giáo dục Mỹ thuật tiểu học (SAEPS).
Ở cấp trung học cơ sở, giáo viên chủ động nghiên cứu chương trình, kết hợp tìm hiểu các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học thông qua các nguồn tài liệu khác nhau để vận dụng dạy học.
Ở cấp trung học phổ thông, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường có thể căn cứ trên nhu cầu lựa chọn của học sinh, điều kiện thực tiễn của địa phương để tổ chức dạy học một cách linh hoạt, như: mời giáo viên hoặc cho phép học sinh đăng ký học ở cơ sở đào tạo khác.
Trong tổ chức hoạt động dạy học từ phòng học truyền thống sang phòng học bộ môn sẽ phát huy được tối ưu đặc thù của môn học, cũng như khai thác sử dụng các thiết bị và đồ dùng dạy học. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, việc chưa có phòng học bộ môn vẫn còn phổ biến, nhà trường và giáo viên có thể tạo ra các không gian, hình thức học tập khác nhau dựa trên điều kiện thực tế; các phương tiện, đồ dùng dạy học cần có: Vật mẫu, họa phẩm, sách báo, tranh ảnh…, đèn chiếu (overhead), máy chiếu (projector), máy tính kết nối Internet… đồng thời, khai thác nguồn vật liệu sẵn có ở địa phương để tổ chức dạy học hiệu quả.
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/mon-my-thuat-trong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-co-gi-moi-20180113212311353.htm

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.