Lĩnh vực giáo dục khó thu hút người tài vì cơ chế lương
(TBTCO) - Việc nâng hạng, nâng bậc lương cho giáo viên dẫn đến hiện tượng cào bằng, "đến hẹn lại lên", không khuyến khích, thu hút người có tài, có trình độ cao đến làm việc tại cơ sở giáo dục.
Lương giáo viên sẽ được trả theo các vị trí việc làm, trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng hiệu quả của công việc. Ảnh: Bùi Tư |
Lương giáo viên phụ thuộc vào yếu tố thâm niên
Ông Nguyễn Quang Thành - Phó trưởng phòng Sự nghiệp văn hóa giáo dục và khoa học, Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay ở Việt Nam đang có tình trạng tiền lương của giáo viên phụ thuộc vào yếu tố thâm niên và loại hình giảng dạy. Các giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi theo ngành nghề, từ 25 đến 70% so với công chức, viên chức hưởng lương khác từ ngân sách nhà nước.
Tuy vậy, thực tế là hiện nay trừ giáo dục mầm non, các cấp bậc học khác đều đang thừa giáo viên dẫn tới việc các giáo viên đều thiếu giờ dạy theo quy định. Như vậy, mặc dù tiền lương được tính đủ (vào cao hơn các ngành khác 25 - 70%), nhưng hầu hết các giáo viên đều có thời gian đứng lớp rất thấp.
Theo thống kê của OECD, thời gian đứng lớp của giáo viên Việt Nam là thấp nhất so với tất cả các quốc gia trên thế giới, chỉ bằng khoảng 3/4 so với mức trung bình của các quốc gia khu vực Đông Nam Á đối với cấp tiểu học và 2/3 so với cấp trung học cơ sở.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến cơ cấu tiền lương cho giáo viên là loại hình giảng dạy. Theo đó các giáo viên, cán bộ quản lý công tác ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng nhiều loại phụ cấp ưu đãi.
Chính sách này được áp dụng từ 15 năm qua, trong khi đó, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, các khoảng cách, khó khăn về địa lý đang bị xóa nhòa. Dẫn tới việc tâm lý các giáo viên thích được công tác ở các vùng được xác định là có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để được hưởng ưu đãi. Đặc biệt một vấn đề đặt ra là cùng công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhưng công chức các ngành nghề khác lại không được hưởng chế độ ưu đãi như giáo viên.
Phụ cấp thâm niên cũng là một đặc thù của ngành giáo dục, các nhà giáo công tác lâu năm (trên 5 năm) được hưởng phụ cấp thâm niên tính theo năm công tác. Cùng với việc tăng lương theo ngạch bậc, dẫn tới lương của các nhà giáo có thâm niên lâu rất cao so với mặt bằng chung. Tuy vậy, đây không phải là cách hiệu quả để thu hút giáo viên trẻ có tài năng và chưa gắn với hiệu quả công việc.
Cần rà soát lại cơ chế tiền lương
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), việc nâng hạng, nâng bậc lương cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay còn dẫn đến hiện tượng cào bằng, đến hẹn lại lên, không khuyến khích người tích cực và khó chế tài người không có sự cố gắng trong công việc. Các cơ sở giáo dục không thể thực hiện chế độ khuyến khích, thu hút người có tài, có trình độ cao đến làm việc.
Bộ Giáo dục cũng nhận định, việc áp dụng hệ thống thang, bảng lương giống nhau cho những công việc khác nhau không còn phù hợp với quy định vị trí việc làm hiện nay. Bởi lẽ, ở mỗi vị trí khác nhau cần có sự đòi hỏi khác nhau về trình độ, kỹ năng. Việc xếp chung một hạng viên chức (như hiện hành) sẽ khó thu hút người có tài năng, tâm huyết vào những vị trí việc làm quan trọng.
Ông Thành đưa ra kiến nghị, cơ chế tiền lương cần được rà soát lại, đặt trên mối quan hệ tổng thể với các ngành nghề và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu đãi với nhà giáo công tác ở một số vùng miền dựa trên thực tế điều kiện công tác. Đối với các vùng thành thị và các bậc học cao hơn như cao đẳng, đại học, sau đại học cần quyết tâm thực hiện chính sách chia sẻ chi phí đào tạo giữa người học và nhà nước.
Bên cạnh đó, rà soát mô tả công việc của giáo viên và tăng thời lượng đứng lớp lên mức tương đương so với quốc tế, để tạo điều kiện cho các trường học nâng cao thời lượng giảng dạy mà không làm tăng chi thường xuyên một cách đáng kể. Rà soát lại các hình thức phụ cấp giáo viên và thang bảng lương thiên về thâm niên để đơn giản hóa các loại phụ cấp khác nhau và gắn kết nhiều hơn giữa lương với hiệu quả hoạt động.
Tại dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, Bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh tiền lương của nhà giáo và không cào bằng lương giáo viên. Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống thang, bảng lương riêng cho giáo viên. Bên cạnh đó, xác định mức lương theo các vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng hiệu quả của công việc, chứ không cào bằng như hiện nay./. |
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2018-01-29/linh-vuc-giao-duc-kho-thu-hut-nguoi-tai-vi-co-che-luong-53237.aspx
Post a Comment