Có nên nghỉ học để khởi nghiệp?
Bạn hãy trả lời những câu hỏi sau để biết mình có nên nghỉ học để kinh doanh hay không.
Ngày nay, khởi nghiệp đang là xu hướng được ưa chuộng lẫn nhận được nhiều hỗ trợ từ cộng đồng. Trong khi đó, tiếp tục học cao đẳng - đại học đang trở thành lựa chọn đắt đỏ. Bên cạnh những người trước khi theo đuổi sự nghiệp kinh doanh đã tích lũy đủ tài chính và thời gian để đi học là nhóm doanh nhân cảm thấy thấy việc đi học là không cần thiết.
Có nhiều cách để khởi nghiệp và tạo dựng sự ổn định về tài chính mà không cần đến bằng cấp đại học. Điều quan trọng là bạn cần phải tự trang bị những công cụ phù hợp và hệ thống hỗ trợ cho sự nghiệp cá nhân. Bạn hãy trả lời những câu hỏi sau trước khi quyết định có nghỉ học để kinh doanh không:
Tinh thần doanh nhân của bạn có đủ mạnh để thành công?
Trước khi dấn thân vào môi trường kinh doanh, hãy chắc chắn đây là con đường bạn muốn theo đuổi. Tạo dựng một công ty khác rất nhiều so với làm việc ngày 8 tiếng tại một doanh nghiệp. Những áp lực và thử thách sẽ gia tăng lên tinh thần của bạn mỗi ngày. Và chúng có thể làm bạn "phát điên".
Nếu bạn có đủ động lực và cảm hứng để bắt đầu thì đừng bao giờ nghi ngờ lựa chọn của bản thân. Song, nếu bạn không thấy tự tin về lựa chọn này thì đừng vội bỏ học để kinh doanh.
"Làm doanh nhân là một công việc toàn thời gian, 24/7", Tom Portesy - Chủ tịch MFV Expositions, và là nhà sản xuất của Franchise Expo West, Franchise Expo South và International Franchise Expo chia sẻ.
Những câu hỏi mà Portesy khuyên bạn phải đặt ra và trả lời: "Bạn có sẵn sàng để hy sinh thời gian bên cạnh bạn bè, người thân? Bạn có sẵn sàng để nhận lại những lời từ chối, sự thất vọng lẫn thất bại khi kinh doanh? Bạn có sẵn sàng cho những đêm dài mất ngủ, mạo hiểm mọi thứ đang có cho công việc kinh doanh? Kinh doanh thành công mang đến nhiều quả ngọt, nhưng bạn có đủ tinh thần để hy sinh?".
Đam mê nhưng có đủ kiên nhẫn?
Đôi khi, những ý tưởng lớn không đợi bạn trưởng thành, và 4 năm đi học có thể làm bạn lỡ mất cơ hội này. Điển hình là trường hợp của Taso Du Val - sáng lập và CEO của Mạng lưới công nghệ toàn cầu Toptal.
"Tôi từng muốn theo học tại MIT, nhưng ý nghĩ bản thân phải đợi đến 4 năm mới được khởi nghiệp đã làm tôi bứt rứt", Du Val nói. "Vì vậy tôi đã bắt đầu theo đuổi sự nghiệp kinh doanh khi tuổi đời còn trẻ. Vài năm sau đó, tôi đã giải quyết được một vấn đề trong lĩnh vực thuê ngoài của ngành IT. Với tôi, kinh doanh là việc tôi phải làm. Và tôi không muốn mất thời gian ngồi tìm hiểu, lắng nghe các giảng giải mà tôi sẽ không cần đến trong cuộc đời".
Eduardo De Arkos - sáng lập và CEO của Dynamic Agriculture Solutions, từng có một trải nghiệm tương tự và đã nhanh chóng quyết định nghỉ học để khởi nghiệp.
"Tôi đã cảm thấy như thể tôi có đủ mọi kỹ năng cần thiết để bắt đầu khởi nghiệp, sau những khóa học kinh doanh mà tôi từng tham dự", De Arkos kể, "Cảm giác về cơ hội kinh doanh tiềm năng thường rất hiếm tìm đến và sẽ bỏ qua bạn rất nhanh nếu bạn không tận dụng cơ hội đó. Tuy không đến trường nhưng thực chất tôi đã học từ thực tiễn. Không còn là những lý thuyết trên giấy, tôi đã thực sự áp dụng các kiến thức đó vào thực tế khởi nghiệp. Điều quan trọng nhất là tôi đã dành thời gian để thành thạo những kỹ năng cần thiết thay vì chỉ biết đến chúng trong môi trường học đường".
Bạn có đủ kinh nghiệm với thế giới thực chưa?
Đối với Randy Wyner - sáng lập, Chủ tịch chuỗi nhà hàng nhượng quyền thương hiệu Chronic Tacos, thì không có lựa chọn nào khác ngoài việc nghỉ học. Trách nhiệm chăm sóc cho con trai nhỏ đã buộc ông phải đi làm kiếm tiền thay vì đi học tiếp. Sau khi thăng tiến lên cấp quản lý của Jiffy Lube, Wyner biết rằng ông đã có đủ kinh nghiệm để lèo lái con tàu kinh doanh của riêng mình. Ông đã chuẩn bị cho bản thân sẵn sàng tinh thần doanh nhân trước khi khởi nghiệp.
"Học từ thực tiễn đã giúp tôi nhanh chóng nắm bắt cách quản lý công việc kinh doanh, những điều mà các sinh viên được học chủ yếu qua các lý thuyết tổng kết. Theo đuổi con đường tự học này đã giúp tôi nắm rõ điều gì nên và không nên làm khi điều hành kinh doanh. Mặc dù trường đại học có thể cung cấp cho bạn những nguyên lý cần thiết cho kinh doanh, bạn vẫn sẽ không thể học được cách điều hành công ty thực sự cho đến khi bạn làm điều đó".
Bạn đã thử nghiệm kỹ ý tưởng của mình chưa?
Tuy rằng mạo hiểm là điều hiển nhiên khi kinh doanh, nhưng đừng mạo hiểm quá mức khi rời trường học mà không kiểm nghiệm 100% sự tự tin của bạn về ý tưởng kinh doanh.
"Xác minh ý tưởng trước khi nghỉ học, có bao giờ bạn nghĩ đến điều này chưa?", AJ Nelson - đồng sáng lập Clusterflunk, mạng xã hội và platform chia sẻ tài liệu cho sinh viên, gợi ý, "Tiến hành thí nghiệm mức độ khả thi. Thu thập các đăng ký sử dụng dịch vụ/sản phẩm, khảo sát thị trường... là những điều bạn có thể tiến hành để củng cố cho ý tưởng kinh doanh khi còn đang đi học. Nếu bạn có thể chứng minh được khả năng giải quyết vấn đề, và mọi người sẵn sàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn thì lúc đó bạn hãy nghĩ đến việc dành toàn thời gian để theo đuổi ý tưởng ấy".
Tình trạng tài chính của bạn như thế nào?
Học đại học có thể là một khoản đầu tư cho tương lai. Kinh doanh cũng vậy. Bạn cần tính toán lại những chi tiêu cá nhân, xây dựng kế hoạch ngân sách cũng như sắp xếp thời gian cá nhân để chuẩn bị hiện thực hóa dự án kinh doanh của mình.
"Hiểu rõ về tổng chi phí cần có chính là điều tiên quyết khi kinh doanh", Portesy chia sẻ, "Trước khi theo đuổi cơ hội kinh doanh, hãy phác thảo ra sơ đồ tổng chi phí đầu tư, ước lượng các nguồn lực liên quan bạn có thể cần trước khi lao vào kinh doanh".
Đôi khi, có những sinh viên sau khi hoàn tất con đường học vấn, dành vài năm đi làm trong ngành công nghiệp mình quan tâm, tích lũy kinh nghiệm lẫn tài chính để khởi nghiệp trong tương lai. Nếu bạn không nghĩ rằng mình có thể bỏ ngang mọi việc để kinh doanh bền vững thì tốt nhất hãy nên học tiếp.
Tuy nhiên, nếu bạn hiện đang đi học và cảm thấy cấp bách phải dành thời gian thử nghiệm và nuôi dưỡng ý tưởng kinh doanh, hãy cân nhắc đến chuyện bảo lưu một vài năm học trước khi quyết định nghỉ hẳn.
Bạn có hậu phương vững chắc không?
Kinh doanh không phải là trò chơi đơn độc. Thực tế sự nghiệp của bạn có liên quan mật thiết đến bạn bè, gia đình, đối tác kinh doanh hoặc các bên liên quan khác.
"Hãy làm chủ công việc của bạn và duy trì mối kết nối với các chủ doanh nghiệp đã từng thành công lẫn thất bại khác. Hãy học hỏi từ những thử thách mà bản thân đã vượt qua cũng như mở lòng cho những bài học, người thầy mới", Portesy đưa ra lời khuyên.
Giống Portesy, Wyner hiểu rằng thành công trong kinh doanh của anh không thể thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè.
"Hãy ở cạnh những người thông minh và hiểu biết. Tôi đã rất may mắn có được những cố vấn rất giỏi ở bên cạnh. Họ là những người thông thái, giàu kinh nghiệm và luôn sẵn sàng đưa ra những lời khuyên phản biện cho tôi", Wyner chia sẻ với Business News Daily.
Lý do khởi nghiệp của bạn có hợp lý?
Đây có lẽ là câu hỏi then chốt: Liệu lý do khởi nghiệp có đủ tốt để bạn từ bỏ con đường học vấn hiện tại không?
Matt Brown, Đồng sáng lập và CEO của platform quản lý freelancer Bonsai, hiện là cố vấn tình nguyện cho mạng lưới Thiel Fellowship. Mạng lưới Thiel lựa chọn và cấp quỹ tài trợ cho những sinh viên tiềm năng tạo ra tác động tích cực cho xã hội bằng cách nghiên cứu và sáng tạo các giải pháp thay vì theo học đại học.
"Mọi người cần tư duy một cách phản biện về giá trị của bốn năm đầu tư vào giáo dục cũng như số tiền học phí khổng lồ sẽ chi trả. Liệu có cách nào để chúng ta học nhanh hơn, gặp được nhiều nhân vật thú vị hơn và thực hành nhiều dự án kinh doanh hơn không? Có phải bạn muốn nghỉ học vì bạn cảm thấy bị thôi thúc phải tạo ra điều gì đó và chuyện học ở trường lại cản trở ý định này của bạn? Hay lý do nghỉ học để khởi nghiệp của bạn là đến từ một doanh nhân (có vẻ) thành công nào đó bạn đọc trên Facebook?", Brown phân tích.
"Chuyện nghỉ học không có lý do hợp lý cũng ngốc nghếch như tiếp tục đi học mà không có mục đích gì vậy. Tóm lại, điều bạn cần là hiểu rõ bản thân mình cần gì", Brown bổ sung.
http://vietnambiz.vn/co-nen-nghi-hoc-de-khoi-nghiep-43719.html
Post a Comment