Header Ads

Chuyện "làm ăn" của các Hiệu trưởng ...lên quan nhờ thi tuyển

(GDVN) - Những ý tưởng ấp ủ bao năm từ khi còn là giáo viên đã được cô Nguyệt thực hiện thành công khi đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng nhà trường.

Theo đánh giá chung thì đội ngũ lãnh đạo Hiệu phó, Hiệu trưởng được bổ nhiệm qua kỳ thi tuyển đã thể hiện tốt năng lực quản lý của mình, đưa nhà trường phát triển đi lên.
Thi tuyển công khai, cấp dưới sẽ nể phục
Sau kỳ thi tuyển Hiệu trưởng, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt không nghĩ rằng mình sẽ được điều động về trường tiểu học Núi Thành.
Hội đồng kiểm tra đề thi tuyển Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Nguyễn Huệ (Hải Châu). Ảnh: TT
Nhớ lại những ngày đầu về nhận nhiệm vụ mới, cô Nguyệt nói, một môi trường hoàn toàn mới khiến công việc gặp nhiều khó khăn, vất vả.
“Nhưng một điều may mắn là nền tảng của trường được xây dựng khá tốt từ chất lượng đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất. Nhưng quãng thời gian chờ Hiệu trưởng cũ về hưu khiến phong trào của trường bị chững lại.
Mình mới về, còn trẻ nên bắt buộc lòng phải nỗ lực nhiều hơn để đổi mới nhà trường. Những kế hoạch được soạn lại để bám sát thực tiễn của trường” cô Nguyệt chia sẻ.
Trở ngại lớn nhất của một tân Hiệu trưởng là việc thu phục nhân tâm, khiến giáo viên nể phục và đồng sức, đồng lòng xây dựng nhà trường.
Giáo viên họ cũng chỉ nể phục phần nào tài năng của Hiệu trưởng vì đã trãi qua kỳ thi tuyển ‘khốc liệt’ nhưng chưa hoàn toàn tin tưởng vào tài năng của lãnh đạo mới.
Bởi trong trường có nhiều người giỏi và rất khó để họ nể phục một người mới.
“Khi là Hiệu trưởng qua thi tuyển thì giáo viên có phần nể phục hơn so với Hiệu trưởng được bổ nhiệm theo phương án bấy lâu nay.
Nhưng đó chỉ mới nhìn vào việc thi cử thôi, còn muốn khẳng định mình là một vấn đề cần thực tiễn. Giáo viên chỉ mới phục 40% thôi, còn lại phải do mình thể hiện”, cô Nguyệt cho hay.
Với quyết tâm nâng hạng nhà trường, cô đã dành toàn bộ tâm sức, biến những ý tưởng, dự định ấp ủ lâu này thành hiện thực.
Cô gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh, giáo viên đường hướng phát triển nhà trường.
“Chủ trương của mình là công khai, minh bạch. Bất kỳ một chương trình nào cũng kêu gọi sự chung tay của phụ huynh, học sinh, doanh nghiệp... bắt tay vào”.
Với cách truyền lửa ấy, cô Nguyệt đã tập hợp được sự đoàn kết của tập thể sư phạm nhà trường, sự đồng hành của phụ huynh.
Từ một ngôi trường tầm “hạng trung” của thành phố, trường tiểu học Núi Thành đã phát triển vượt bậc về chất lượng dạy – học.
Những giải thưởng cao trong các cuộc thi về thiết kế bài giảng điện tử e-Learning, robocon, phong trào “đàn gà khăn quàng đỏ”… của cô trò đã dần được khẳng định “thương hiệu”.
Bảo lưu kết quả thi tuyển, phục vụ việc bổ nhiệm
Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho biết, từ năm 2008, quận bắt đầu thi tuyển chức danh Hiệu phó, Hiệu trưởng ở bậc Tiểu học.
Thời điểm đó, thầy Nguyễn Tăng Hoa (đã nghỉ hưu) đang làm tổ trưởng tổ thi đua của phòng giáo dục đã tham dự kỳ thi tuyển chức danh Hiệu trưởng trường tiểu học Phù Đổng. 
Với việc thực hiện tốt các phần thi, thầy Hoa đã được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường.
“Mục đích của việc thi tuyển là tạo cơ hội cho nhiều người cùng tham gia. Miễn là họ phải có đam mê, có kỹ năng, năng lực… để đảm đương nhiệm vụ quản lý.
Ngoài ra, thông qua kỳ thi tuyển, mình cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn được người có năng lực”.
Trên cương vị Hiệu trường nhà trường, thầy Hoa đã gây dựng được thương hiệu và uy tín cho một trong những ngôi trường chất lượng cao của thành phố.
Đánh giá về đội ngũ các Hiệu phó, Hiệu trưởng được bổ nhiệm qua thi tuyển, bà Hà cho hay:
“Hiện hầu hết các Hiệu phó, Hiệu trưởng trên địa bàn quận được bổ nhiệm thông qua các kỳ thi tuyển được đánh giá rất cao. 
Họ có năng lực chuyên môn và quản lý tốt. Hiện một số trường vẫn giữ lại kết quả thi tuyển để làm cơ sở cho việc bổ nhiệm sau này”, bà Hà nói. 
Cụ thể như, kỳ thi tuyển năm 2015 theo quy định thì đến hết năm 2016 là hết thời hạn bảo lưu. 
Nhưng có thể sau năm 2016, quận vẫn xem xét kết quả thi tuyển này trong việc bổ nhiệm (với điều kiện phải đạt ít nhất 50% trên tổng số điểm theo quy định). 
Nếu thấy ứng viên thực hiện tốt thì vẫn dùng kết quả thi tuyển đó làm cơ sở bổ nhiệm chức danh lãnh đạo.
Tuy nhiên, trong kỳ thi tuyển Hiệu trưởng trường trung học cơ Nguyễn Huệ do Ủy ban nhân dân quận Hải Châu vừa qua có một quy định còn khiến nhiều người băn khoăn.
Đó là quy định, chỉ có cán bộ trong diện quy hoạch mới được dự thi tuyển. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này đã làm giảm số lượng người đăng ký tham dự, khiến cơ quan quản lý không có nhiều lựa chọn.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuyen-lam-an-cua-cac-Hieu-truong-len-quan-nho-thi-tuyen-post183387.gd

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.