Bỏ cộng điểm thi nghề, nhà trường và học sinh giảm gánh nặng
Trong bài viết gửi tới tòa soạn, thầy giáo Trương Như Đệ ở Gia Lai cho rằng việc bỏ cộng điểm thi nghề trong tuyển sinh lớp 10 hoặc tốt nghiệp THPT sẽ giúp học sinh bớt đi áp lực thời gian học – thi, giảm một gánh nặng cho nhà trường...
Dưới đây là góc nhìn của thầy giáo Trương Như Đệ về dự kiến bỏ cộng điểm thi nghề trong tuyển sinh lớp 10.
(Ảnh: Đinh Quang Tuấn) |
Nghe tin Bộ GĐ-ĐT dự thảo bỏ cộng điểm thi nghề vào lớp 10, học sinh em mừng - em lo, phụ huynh người đồng tình - kẻ phản đối, giáo viên người phấn khởi - người ưu tư.
Riêng tôi rất ủng hộ, không chỉ bỏ điểm thi nghề khi tuyển sinh lớp 10 mà cần bỏ luôn việc cộng vào kết quả tốt nghiệp THPT.
Bởi vì…
Giáo dục giảm bớt một khối u “bệnh thành tích”
Để có được kết quả cao khi xét tuyển vào lớp 10 hoặc thi tốt nghiệp THPT, các trường không ngần ngại ép buộc học sinh học nghề, không cần biết các em có nhu cầu hay không. Thậm chí, có trường, có giáo viên còn "dọa" hạ hạnh kiểm học sinh nào không tham gia học nghề.
Điểm kiểm tra nghề thì chỉ có khá và giỏi, tìm điểm trung bình như mò kim đáy bể. Thi nghề thì không có khái niệm hỏng, tối thiểu cũng trung bình.
“Mảnh đất” tiêu cực trong giáo dục được thu hẹp
Để có được bộ "hồ sơ đẹp" dự tuyển vào lớp 10 hoặc dự thi THPT, phụ huynh, nhất là phụ huynh có điều kiện và quan tâm việc học của con, thường hay "tiếp cận" với nhà trường, thầy cô.
Không ít trường hợp được "nâng đỡ không trong sáng", không ít trường hợp “lọt qua khe cửa hẹp” nhờ thần hộ mệnh "điểm nghề".
Giảm một gánh nặng cho nhà trường
Ngoài việc triển khai thực hiện chương trình phổ thông, các trường THCS, THPT phải gánh thêm chương trình dạy nghề. Trong đó, THCS là 70 tiết, THPT là 105 tiết gồm nghề làm vườn, tin học văn phòng, điện dân dụng, trồng rừng, nấu ăn, thêu tay, cắt may...
Những nghề này tôi từng hỏi học sinh thích không, thì được nghe các em đồng thanh "Không!".
Việc dạy nghề là một cực hình đối với trường phổ thông, vì giáo viên phổ thông không có chuyên môn nghề. Vậy nên, hầu hết các trường hiện nay (ở Gia Lai) chủ yếu thực hiện chương trình nghề tin học văn phòng nhờ thiết bị và giáo viên sẵn có. Tức là dạy cái trường có chứ không phải dạy cái học sinh cần.
Học sinh bớt đi áp lực thời gian học - thi
Bớt được 70 tiết với học sinh THCS và 105 tiết với học sinh THPT là bớt được áp lực thời gian học cho các em, đặc biệt là áp lực thi "tốt nghiệp nghề" - tốt nghiệp để được hành nghề cộng điểm.
Hướng nghiệp cho học sinh thế nào?
Bỏ cộng điểm nghề đi liền với bỏ chương trình học nghề trong trường phổ thông. Tuy nhiên, cần thiết phải tăng cường hướng nghiệp cho các em theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Điểm mới nhất của kế hoạch giáo dục cấp THCS mới chính là nội dung hướng nghiệp được yêu cầu tích hợp vào các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Tôi đề nghị không chờ Chương trình giáo dục phổ thông mới, mà Bộ cần hướng dẫn các nhà trường, giáo viên bộ môn thực hiện ngay.
Ở bậc THPT, theo Chương trình mới, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học. Việc này giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Vậy nên, trước mắt thầy cô giáo bộ môn cần vận dụng tích hợp nội dung hướng nghiệp trong từng chương, từng bài giảng. Đồng thời, các trường THPT tăng cường quản lý, triển khai có hiệu quả chương trình hướng nghiệp hiện hành, chuẩn bị cho Chương trình mới.
Nhưng tất nhiên, năm học 2017-2018 này chưa nên bỏ cộng điểm nghề vì mọi việc đã vào khuôn khổ.
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/bo-cong-diem-thi-nghe-nha-truong-va-hoc-sinh-giam-ganh-nang-422953.html
Post a Comment