“Đại chiến” taxi: Taxi công nghệ tuần hành phản đối mức thu chiết khấu cao và cấm đường
VietTimes -- Sáng nay (15/1), khoảng hơn 100 xe taxi công nghệ đã tổ chức tuần hành trên một số tuyến phố nhằm thể hiện phản ứng về việc Uber, Grab thu chiết khấu cao và Hà Nội cấm đường. Theo ghi nhận của PV VietTimes tại hiện trường, cuộc tuần hành diễn ra khá trật tự, không làm ảnh hưởng giao thông vào giờ cao điểm sáng đầu tuần.
Từ sáng sớm nay, nhiều xe taxi công nghệ đã có mặt tại Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Đến 9h sáng, đoàn xe khoảng hơn 100 đầu xe di chuyển qua một số tuyến phố. Theo ghi nhận của PV VietTimes có mặt tại hiện trường, khi di chuyển, đoàn xe đồng loạt bật tín hiệu cảnh báo, các tài xế đều thắt dây an toàn, di theo một hàng dọc. Tuy tập trung một số lượng lớn các xe 4 - 7 chỗ, nhưng các tài xế tuân thủ Luật Giao thông đường bộ nên không gây cản trở giao thông vào khung giờ cao điểm buổi sáng.
Theo các tài xế Uber, Grab, thời gian vừa qua, Uber Việt Nam và Grab Việt Nam đã áp mức thu chiết khấu khá cao, khoảng 25 - 28% (tùy hãng). Cùng với đó, việc Hà Nội tổ chức hạn chế taxi công nghệ hoạt động trên một số tuyến phố đã làm cho các tài xế phải chi phí nhiều hơn cho mỗi cuốc di chuyển. Đó là chưa kể việc dịch vụ của các tài xế này sẽ đánh giá, chấm điểm theo hướng tiêu cực nếu khách không thông cảm. Trước thực tế trên, các tài xế này đã tập trung để phản đối, yêu cầu Grab và Uber có chính sách "dễ thở" hơn, có thêm cơ chế hỗ trợ tài xế khi quy định mới được áp dụng.
Theo một số tài xế cho biết, việc Hà Nội hạn chế taxi công nghệ hoạt động tại một số tuyến phố như "giọt nước làm tràn ly" những bức xúc của họ lâu nay. "Sở GTVT Hà Nội thực hiện việc này theo kiểu "không quản được thì cấm", một tài xế cho biết.
Theo họ, việc hạn này nhiều khả năng không giải quyết vấn đề tắc nghẽn ở Hà Nội, mà ngược lại, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện cá nhân thường xuyên hơn. Ngoài ra, đây cũng là hành động rõ nhất để phản đối việc Uber, Grab thu chiết khấu cao, đặc biệt việc Grab thông báo tăng thu vài ngày trở lại đây.
Trao đổi với VietTimes sau khi lệnh cấm đường có hiệu lực, tài xế tên Toàn, người có 1,5 năm làm tài xế công nghệ, với điểm đánh giá 4,8* chia sẻ, theo quy định hiện hành của Bộ GTVT, đặc điểm duy nhất để phân biệt xe hợp đồng với xe cá nhân là logo và biển “Xe hợp đồng”. Tuy nhiên, mới có khoảng 40% số xe có ít nhất một trong các dấu hiệu này. Hơn nữa, nếu cần thiết, lái xe có thể dễ dàng bóc các đặc điểm nhận dạng này.
Ngoài ra, với hợp đồng điện tử, khi nhận chuyến đi thì lái xe mới biết được địa điểm đón và đến của xe. Nếu địa điểm trong các tuyến đường cấm thì phải hủy chuyến. Nhưng Grab, Uber đều có giới hạn hủy chuyến trong ngày đối với cả lái xe và người sử dụng, nếu quá lượt hủy sẽ bị khóa tài khoản. Điều này có ảnh hưởng nhất định tới việc chỉ số đánh giá - xếp hạng của tài xế.
Đấy là chưa kể, khi khách muốn đến tuyến đường cấm phương tiện vào giờ cao điểm thì lái xe buộc phải hủy chuyến đi hoặc đi tuyến đường khác đến địa điểm đó, như vậy sẽ rất dễ nảy sinh mâu thuẫn giữa lái xe với khách hàng. Cùng với đó, lộ trình di chuyển của lái xe sẽ dài hơn, giảm ùn tắc ở các tuyến đường cắm biển nhưng lại đẩy ùn tắc sang các tuyến đường khác.
Điều này còn lộ rõ bất cập hơn nữa Uber, Grab là dịch vụ quốc tế, một lượng không nhỏ khách hàng của Grab, Uber là người nước ngoài. Với bất đồng ngôn ngữ, cánh tài xế rất khó có thể giải thích được với khách hàng ngoại quốc nếu điểm đón hoặc điểm đến nằm trên các tuyến phố cấm.
http://viettimes.vn/dai-chien-taxi-taxi-cong-nghe-tuan-hanh-phan-doi-muc-thu-chiet-khau-cao-va-cam-duong-154397.html
Post a Comment