Header Ads

Lò nóng và củi tươi đang cháy!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận Phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Thu Huyền / TTXVN.
(GDVN) - Còn ai đó có thể ngụy trang để lẩn tránh nhưng lịch sử và nhân dân sẽ phán xét.
Ngày 31/7/2017, khi chủ trì một cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọngđã có một phát biểu để đời rất hình tượng:
“Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
Đáng nói, sau phát biểu của Tổng Bí không lâu “khúc củi” Trịnh Xuân Thanh tra tay vào còng sau những tháng ngày trốn tránh công lý.
Và sau đó là một loạt những nhân vật “cộm cán” trong ngành dầu khí, cao su, ngân hàng, trong đó có cái “gốc bự” Đinh La Thăng bị bứng.
Những diễn biến đó cho thấy gì?
Đó là quyết tâm chống tham nhũng, thanh lọc bộ máy đã có kết quả.
Quyết tâm của Đảng là thành ý thấy rõ chứ không phải chỉ trên lý thuyết.
Nhưng kết quả lớn nhất không phải điều tra, truy tố, xét xử bao nhiêu đồng chí, đồng đội mà là được lòng dân.
Tổng Bí thư đã làm được điều mà nhiều thế hệ trước chưa làm được. Điều mà nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khắc khoải tại một phiên chất vấn ở Quốc Hội cách đây gần chục năm: “Tôi chưa xử lý kỷ luật đồng chí nào” [1].
Có phải thời kỳ đó cán bộ ta không có những người dính chàm? Phiên chất vấn năm đó đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa) thẳng thắn:
“Tình hình tham nhũng, lãng phí không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có biểu hiện hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp... Nhiều vụ án trọng điểm chậm và có biểu hiện “đầu voi đuôi chuột” [2].
Và sau đó Thủ tướng cũng thừa nhận: “Riêng với việc Chủ tịch tỉnh nhiều lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ thừa nhận chưa biết và hứa sẽ kiểm tra lại” [3].
Dẫn lại để thấy rằng, Tổng Bí thư đương nhiệm đang thực hiện một nhiệm vụ lịch sử, nó không đơn thuần là những vụ việc sai phạm mang tính…tự nhiên, mà đó là một hệ thống ăn rơ bám rễ hàng chục năm nay.
Đó chính là “ung nhọt” đe dọa sự tồn vong của chế độ, gây ra vô vàn tác hại đối với xã hội: Cái mà người ta gọi là “lợi ích nhóm”.
Từ Trịnh Xuân Thanh cho tới “Vũ nhôm” (Phan Văn Anh Vũ) một đại gia khét tiếng ở Đà Nẵng vừa bị cơ quan công an “sờ gáy” cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng thật sự cam go, cần những con người dũng cảm, quyết liệt, cần cái đầu lạnh và trái tim nóng mới làm được.
Cái mà “Vũ nhôm” lấy đi không chỉ là tiền và mang đến sự mù mịt thiếu minh bạch mà còn là hình ảnh của hệ thống công quyền ở một thành phố đã từng tự hào là mẫu mực, đáng sống.
Người ta đang nghi ngờ về những cái “đập bàn”, “chỉ mặt”…của đại gia tuổi trẻ tài cao này với hệ thống công quyền Đà Nẵng.
Có hay không rồi đây sẽ rõ.
Nhưng điều đó là thật thì chẳng còn từ nào để diễn tả, mà như Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa quả quyết:
“Nếu như có cái này thì đó là sự sỉ nhục với chính quyền, với hệ thống công quyền của chúng ta. Tại sao lại như thế được? Một chính quyền như thế này mà lại có thể để như thế, làm sao mà chấp nhận được? Có phải là sự sỉ nhục đối với chúng ta hay không?” [4]
Mấy ngày nay, câu hỏi “Vũ nhôm” là ai? Được đặt ra khắp các mặt báo. Đó không đơn thuần là tìm hiểu về một con người mà hàng tá sự việc có thể gây sốc dư luận ẩn nấp đằng sau đó.
Bởi, vì sao một giám đốc công ty tư nhân lại có năng lực “siêu nhiên” đến vậy? Có thể điều khiển cả một hệ thống công quyền, thâu tóm các dự án màu mỡ.
Đó cũng chính là vấn đề mà báo Giaoduc.net (ngày 23/12) đã đặt một câu hỏi rất thời sự: “Doanh nghiệp “hỗn” hay tại quan chức tham?”.
Tại anh tại ả hay tại cả đôi đường? Tại ai sẽ hạ hồi phân giải, nhưng Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, mới đây đã hiến kế tại Quốc Hội: “giáo dục để làm sao cán bộ thấy tiền không thích, thấy gái đẹp cũng không đòi”.         
“Vũ nhôm” suy cho cùng cũng chỉ là hạng “thừa hành” giao dịch mua quyền và ăn “tàn quyền lực”.
Kẻ đáng sợ nhất là thế lực chống lưng đứng đằng sau. Nếu bắt được Vũ mà không bứng luôn cả bệ thì mới chỉ thành công một nửa.
Chẳng ai biết còn bao nhiêu “Vũ nhôm”, “Út trọc” đang chơi trò thòng lọng với cơ quan công quyền.
Có người mua ắt có người bán.
Ai cũng hiểu rõ bản chất của quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Chính nhân dân bỏ lá phiếu để tin tưởng giao quyền của mình cho một số người, số người đó gọi là người lãnh đạo. Điều đó được ghi rõ trong Hiến pháp.
Bán quyền lực hay làm “rơi vãi” quyền lực là coi thường nhân dân, chà đạp luật pháp. Điều đó thật sự tối kỵ trong nỗ lực xây dựng một nhà nước pháp quyền.
Trong lịch sử nhân loại từ khi có nhà nước, hệ quả của việc “đi đêm” giữa doanh nghiệp và người có quyền rất tai hại. Cái mà các nhà nghiên cứu xã hội học gọi là “lobby” (vận động hành lang).
Nhiệm vụ cải cách hành chính ở nước ta cũng nhằm mục đích cách ly nhà doanh nghiệp và nhà nước để tránh những cái bắt tay trong bóng tối.
Mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp chỉ có lợi cho xã hội khi đó là quan hệ dạng “kiến tạo”, “phục vụ”, “quản lý”, “điều hành”.
“Vũ nhôm” có thể đã trốn nhưng bài học Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa ráo mực.
Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát.
Còn ai đó có thể ngụy trang để lẩn tránh nhưng lịch sử và nhân dân sẽ phán xét.
Cũng như lịch sử và nhân dân sẽ ghi ơn những con người dũng cảm đấu tranh chống “giặc nội xâm” tham nhũng.
Tài liệu tham khảo:
[1], [2], [3] https://tuoitre.vn/thu-tuong-nguyen-tan-dung-hon-3-nam-nay-toi-chua-ky-luat-ai-348716.htm   
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lo-nong-va-cui-tuoi-dang-chay-post182447.gd

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.