Khoa học xã hội trước bước ngoặt sống còn
TTO - Trong một tranh luận tại Berlin (Đức), một giáo sư xã hội học bảo rằng ngành khoa học xã hội và nhân văn thế giới đang đứng trước bước ngoặt sống còn.
Các chuyển biến mang tính đột phá của khoa học tự nhiên và các ngành kỹ thuật khác đang thay đổi thế giới. Trong khi chức năng miêu tả, thấu hiểu, diễn dịch xu hướng đó lại còn nhiều khoảng cách.
Nếu như có một cỗ máy thời gian - vị này nhấn mạnh - thì tốc độ phát minh của các ngành khoa học tự nhiên, y khoa sẽ vụt qua cửa sổ với tốc độ số nhân.
Trong khi các phát hiện, phương pháp, khám phá mới của các ngành khoa học xã hội, khoa học nhân văn vẫn... đủng đỉnh di chuyển với tốc độ số cộng cùng những tranh biện cũ kỹ từ nhiều năm về trước.
"Lột xác" đề tài nghiên cứu
Nỗi lo của vị giáo sư ấy có thể là nỗi lo của nhiều người khi chứng kiến tốc độ phát triển của các ngành khoa học khác.
Hơn nữa, khoa học xã hội và nhân văn tiếp tục đối mặt với "cơn cuồng phong" cuộc cách mạng khoa học công nghệ với hàng loạt công nghệ như: sự kết hợp giữa tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo; đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) đang tác động đến cách thức triển khai chiến lược công nghiệp hóa, đến lao động kỹ năng ở khắp mọi nơi.
Những yếu tố này tạo lý do để tin rằng khoa học xã hội cần "lột xác", cả về đề tài nghiên cứu lẫn phương thức tiếp cận. Sự xuất hiện của Internet khiến cho "không gian mạng" trở thành đối tượng quan trọng.
Ở không gian này, hàng loạt khái niệm tưởng chừng quen thuộc được định nghĩa và diễn giải lại. Cũng ở không gian này, cuộc tranh luận về chính sách nóng hơn bao giờ hết. Không gian mạng - tuy vậy - cũng là một công cụ tuyệt vời cho các nhà khoa học xã hội cả về dữ liệu lẫn phương pháp.
Bằng những tiến bộ trong công nghệ thông tin và khả năng thu thập, xử lý, tồn trữ và phổ biến, các cuộc khảo sát xã hội học lớn bây giờ có thể được tiến hành trên một phạm vi rộng lớn về nhiều chủ đề khác nhau.
Không gian mạng cũng giúp hình thành cơ sở dữ liệu ở quy mô lớn, từ nhiều quốc gia và vùng địa lý khác nhau phục vụ cho công tác nghiên cứu.
Trợ giúp của công nghệ dữ liệu lớn
Khoa học xã hội và nhân văn cần giúp hiểu được xu hướng và hệ quả đa chiều trong áp dụng các tiếp cận mới. Ví dụ như thảo luận về định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong một thời gian dài, cách tiếp cận thách thức biến đổi khí hậu ở đây bằng lăng kính đơn tuyến: khí hậu thì liên quan đến tài nguyên đất, nước; nông nghiệp thì cần các chuyên gia trồng trọt, chăn nuôi; quy hoạch thì cần các kỹ sư xây dựng, kiến trúc.
Bối cảnh mới đòi hỏi một cách tiếp cận tích hợp mới với sự trợ giúp của các công nghệ về dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo... mới nhất.
Theo đó, các chuyên gia địa chất cần ngồi với các nhà khoa học máy tính; các nghiên cứu về kinh tế cần gắn kết với các kịch bản về môi trường; các kịch bản về phát triển kinh tế - xã hội cần biện luận từ góc nhìn của những nhà nghiên cứu lịch sử, nhân học hay xã hội học.
Cuộc cách mạng 4.0 đã xuất hiện với một loạt những công nghệ mới đang thay đổi không chỉ cách thức kinh doanh mà cả cấu trúc xã hội đang có. Kết quả nghiên cứu và ứng dụng của nó chắc chắn sẽ có một tác động đáng kể đến cách vận động xã hội.
Khi làn sóng công nghệ đang ở mức cao trào nhất thì xã hội vẫn cần tỉnh táo qua các phản biện về các tác động, đạo đức, luật pháp với sự hiểu biết về chuyên môn và tinh thần phê bình quyết liệt nhất. Điều này cần đến các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.
Phản tỉnh cùng thời đại, đấu tranh vì các giá trị nhân bản chung của xã hội, của cộng đồng là chức năng của ngành khoa học xã hội và nhân văn.
https://tuoitre.vn/khoa-hoc-xa-hoi-truoc-buoc-ngoat-song-con-20171204085424565.htm
Post a Comment