Giảm quyền lực của hiệu trưởng
Trong suốt thời gian dài, trường ĐH công lập ở Việt Nam không có hội đồng trường, quyền lực tập trung trong tay hiệu trưởng. Hội đồng trường ĐH thành lập sẽ giám sát các hoạt động của hiệu trưởng
Hội đồng trường ĐH được nói đến nhiều năm kể cả ghi vào luật nhưng không thực hiện được chức năng cơ bản của mình là xây dựng chính sách phát triển và giám sát toàn bộ các hoạt động của nhà trường thông qua hiệu trưởng. Dự thảo Luật Sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục ĐH đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra lấy ý kiến, trong đó hội đồng trường được nhiều thực quyền.
Hiệu trưởng có nên nằm trong hội đồng trường?
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho biết nội dung của đợt sửa đổi lần này đi sâu vào quản trị ĐH. Trong đó có nội dung hội đồng trường (trong trường công) phải là hội đồng có thực quyền. Để đáp ứng yêu cầu đó, cơ cấu của hội đồng trường với những nội dung mới như tối thiểu 30% là thành phần ngoài trường quan tâm và chi phối, có quyền và lợi ích liên quan đến sự phát triển của trường; trong hội đồng trường còn có các thành viên trong trường là đại diện cấp ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cấp trường, hiệu trưởng, một phó hiệu trưởng, đại diện sinh viên, viên chức, người lao động.
Trước những nội dung mới trong quyền hạn của hội đồng trường, không ít ý kiến băn khoăn về vai trò của hiệu trưởng và sự tham gia của hiệu trưởng trong tổ chức này. Tại hội thảo góp ý sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây tại TP HCM, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), cho rằng hội đồng trường là thiết chế quyền lực của trường mang tính đối chọi với ban giám hiệu nên hiệu trưởng không nên là thành viên trong hội đồng đó. Bên cạnh đó, sinh viên cũng không nên là thành viên của hội đồng trường, các em có thể qua hội sinh viên trường mà có đóng góp chín chắn hơn, nếu đưa sinh viên vào thì cũng chỉ là hình thức, nên xem lại.
Tương tự như hội đồng trường là HĐQT ở trường tư thục. Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Thiết cho rằng HĐQT là đại diện của những người góp vốn nhưng thành viên của HĐQT lại có những đối tượng không góp vốn, như đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể, thậm chí cả hiệu trưởng. "Tôi không rõ khi biểu quyết thì đối vốn hay đối nhân?" - vị này băn khoăn.
Đồng tình ý kiến này, chủ tịch HĐQT Trường ĐH Công nghệ Miền Đông cho rằng những thành phần, cá nhân không góp vốn thì không tham gia HĐQT.
Tăng thực quyền của hội đồng trường
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng quyết nghị về cơ cấu tổ chức, danh mục vị trí việc làm, xác định cơ cấu lao động theo chức danh nghề nghiệp nên để cho vai trò của hiệu trưởng bởi nếu như luật sửa đổi thì vai trò hiệu trưởng không còn.
"Chúng ta muốn tăng vai trò của hội đồng trường nhưng không nên để hội đồng trường là bộ thu nhỏ để quản lý ban giám hiệu quá mức. Cần để hội đồng trường và hiệu trưởng tương đối độc lập" - PGS-TS Trần Diệp Tuấn nói.
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng từng thành viên trong hội đồng trường chứ không phải là sự tham gia của hiệu trưởng và một hiệu phó vào hội đồng trường. "Hội đồng trường làm chính sách, chiến lược còn hiệu trưởng là người thực thi. Hai cơ cấu song hành sẽ tốt hơn một hiệu trưởng vừa làm chiến lược vừa thực hiện chiến lược" - ông Tùng nói. Ông cũng đề nghị nên đưa hiệu trưởng lên làm chủ tịch hội đồng trường vì hiệu trưởng hiểu tường tận các vấn đề của trường.
Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng giáo dục ĐH Việt Nam quá nhiều cơ quan tham gia quản lý nhà nước, phân vai và trách nhiệm không rõ ràng. Vì vậy, hiệu trưởng băn khoăn về vai trò cũng là điều dễ hiểu. Khi tăng quyền hội đồng trường, quyền lực truyền thống của hiệu trưởng sẽ giảm, như các lợi ích về tài chính, chính trị, học thuật, tuyển dụng, mua sắm, xây dựng… và lại phải chịu sự kiểm soát chặt của hội đồng trường trong chi tiêu và giải trình.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết hội đồng trường trong dự thảo này mong muốn phải có thực quyền vì vậy trong nhiệm vụ quyền hạn, hội đồng trường có quyền quyết định về tất cả các vấn đề phát triển của trường, từ định hướng phát triển đến các vấn đề chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất, giảng viên, cơ chế thu chi tài chính, quy chế tổ chức hoạt động…, thậm chí định hướng về mua sắm tài sản hằng năm.
http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giam-quyen-luc-cua-hieu-truong-20171221212948635.htm
Post a Comment