Có căn cứ khi các trường bất hợp tác với Bộ GD-ĐT
Sự bất hợp tác của Trường ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Kinh doanh và Công nghệ vừa qua đối với hoạt động thẩm định của Bộ GD-ĐT và hoạt động kiểm định chất lượng của các cơ quan kiểm định chất lượng độc lập có thể nói là phản ứng tiêu cực nhưng không phải hoàn toàn vô lý. Từ đây, có thể chỉ ra một số bất cập trong việc tổ chức các hoạt động này của cơ quan quản lý nhà nước.
Trường có lẫn lộn “thẩm định” và “kiểm định”?
Xét về góc độ chuyên môn đảm bảo chất lượng trong giáo dục ĐH trên thế giới, những công cụ đang được áp dụng ở VN có kiểm định chất lượng (accreditation) mà không có thẩm định chất lượng (audit).
Bên cạnh việc kiểm định chất lượng (KĐCL), trong hệ thống của chúng ta còn có việc quản lý cấp phép đối với các trường bắt đầu được thành lập hoặc nâng cấp thành trường ĐH; thanh tra để kiểm tra mức độ tuân thủ các quy định của nhà nước ở một hoặc một vài hay toàn bộ các hoạt động của trường. Trong khi KĐCL thực hiện theo chu kỳ, 5 năm chẳng hạn, thì “cấp phép” chỉ được thực hiện lần đầu tiên khi xem xét và phê duyệt việc thành lập cơ sở đào tạo, còn thanh tra có thể thực hiện hằng năm, có thể báo trước hoặc đột xuất. Tính chất và mục đích của KĐCL, cấp phép và thanh tra là khác nhau.
Từ năm 2009, khi KĐCL chưa triển khai, để đánh giá nhanh điều kiện đảm bảo chất lượng nhằm xét chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường nộp báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng cho Bộ. Đây là giải pháp tình thế có thể chấp nhận được trong khi KĐCL chưa có kết quả để qua đó cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở quản lý chất lượng các yếu tố đầu vào. Năm 2017, Bộ gọi đây là công tác “thẩm định” và cấp kinh phí cho các trung tâm KĐCL độc lập thực hiện thì đây dường như chỉ là vấn đề “chữ nghĩa” của cơ quan quản lý.
Việc các trường nhìn nhận nó không khác “kiểm định” là có thể hiểu được khi họ được một trung tâm KĐCL đánh giá về các nội dung có nhiều trùng lặp với các nội dung thanh tra, kiểm định và các báo cáo khác họ đã thực hiện. Sự nhầm lẫn tên gọi hay công cụ, cách thức, là không có. Nếu họ thấy cái gọi là “thẩm định” về bản chất không khác kiểm định hay thanh tra, việc nên làm là xem xét các hoạt động ấy có thực sự cần thiết và bị chồng chéo hay không, thay vì cố gắng giải thích với họ rằng thẩm định khác kiểm định, rằng thẩm định để xét chỉ tiêu tuyển sinh chứ không phải cấp chứng chỉ KĐCL.
Xin lưu ý công cụ thẩm định chất lượng (audit) ở các nước khác là công cụ tương tự KĐCL và thường mỗi nước chỉ dùng một trong 2 công cụ này.
Có hay không sự chồng chéo?
Các nhà quản lý và lãnh đạo các trường ĐH và CĐ đều rất rõ hằng năm họ đều đặn phải gửi hàng loạt báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước, trong số đó có báo cáo 3 công khai và báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng. Chưa kể nếu một vụ, cục nào đó trực thuộc Bộ có chương trình, dự án đột xuất đều có thể gửi công văn tới các trường yêu cầu báo cáo ngay lập tức. Mỗi yêu cầu báo cáo lại có mẫu biểu khác nhau dù có thể yêu cầu cùng một loại thông tin. Bên cạnh đó là việc thanh tra Bộ hằng năm đều về làm việc trực tiếp tại các trường, chưa kể việc một số trường đã được KĐCL.
Chỉ xem qua các nội dung thẩm định và báo cáo có thể thấy rất nhiều mục thông tin đã có trong báo cáo 3 công khai và phạm vi thanh tra như số giảng viên cơ hữu theo trình độ, số diện tích mặt sàn phòng học, số máy tính trên đầu sinh viên... Sự chồng chéo mà các trường cáo buộc không phải là không có căn cứ.
Đáng lẽ, các trường chỉ phải gửi báo cáo toàn bộ các thông tin cơ sở của một đơn vị đào tạo cho Bộ một lần trong năm, và Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ cho toàn bộ các cục, vụ chức năng để họ quản lý và theo dõi hoạt động của các trường. Với một hệ thống dữ liệu như vậy, các đơn vị này khi thực hiện một nhiệm vụ với mục đích nào đó chỉ cần trích xuất dữ liệu mình cần sử dụng thay vì mỗi lần cần, lại gửi yêu cầu báo cáo tới các trường vì các mục đích khác nhau.
Việc thẩm định hơn 200 trường vừa qua với 2 trường bất hợp tác và những ý kiến về hiệu quả của nó mới chỉ là phần mở đầu của câu chuyện. Hãy chờ đến khi Bộ công bố quyết định xét duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cấp cho các trường dựa trên kết quả thẩm định này.
“Cây gậy và củ cà rốt” vẫn sẽ có tác dụng, nhưng bất cập lớn nhất là sự cồng kềnh, chồng chéo của các hoạt động quản lý chất lượng giáo dục vẫn cần phải xử lý để tạo môi trường phát triển giáo dục ĐH.
https://thanhnien.vn/giao-duc/co-can-cu-khi-cac-truong-bat-hop-tac-voi-bo-906474.html
Post a Comment