Header Ads

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính


(HNM) - Được đánh giá là đã có những bước bứt phá ngoạn mục trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và phân tích dữ liệu, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành Bảo hiểm xã hội đã cắt giảm hàng trăm thủ tục, giảm đáng kể thời gian chờ đợi của người dân.

Được lựa chọn giao dịch điện tử

Hiện tại, ứng dụng công nghệ thông tin đã bao phủ hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), như giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giám định điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT thông qua hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản… Hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin đã được trang bị đầy đủ và đang vận hành hiệu quả.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, hiện nay, ngành BHXH đã triển khai 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, 4), trong đó, nhiều dịch vụ công có số lượng hồ sơ giao dịch mỗi năm lên tới hàng chục triệu. Từ năm 2015, BHXH Việt Nam đã thúc đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, triển khai giao dịch điện tử trên phạm vi toàn quốc đối với việc đăng ký, thu nộp BHXH. Để thực hiện có hiệu quả công tác này, BHXH Việt Nam đã thành lập Tổ cán bộ chuyên trách, rà soát tổng thể 115 thủ tục hành chính của ngành. Nhờ đó, trong vòng một năm, số thủ tục hành chính đã giảm từ 115 xuống còn 33, giúp giảm 56% số lượng hồ sơ, 82% chỉ tiêu trên tờ khai, mẫu biểu; giảm 78% quy trình, thao tác thực hiện. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã quy định nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để doanh nghiệp lựa chọn như giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính…

Năm 2016, BHXH Việt Nam tiếp tục cắt giảm thêm 1 thủ tục; giảm 38% số lượng hồ sơ; giảm 42% chỉ tiêu trên tờ khai, mẫu biểu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện. Đến năm 2017, BHXH tiếp tục cắt giảm thêm 4 thủ tục. Thời gian hoàn thành việc kê khai tham gia BHXH bắt buộc đối với doanh nghiệp cũng giảm còn 45 giờ.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đưa ra quy trình triển khai thực hiện Nghị định 166/2016/NĐ-CP, ngày 24-12-2016, của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Các đơn vị lựa chọn hình thức giám định điện tử sẽ không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ đăng ký tham gia trực tiếp tại cơ quan BHXH.

Mới đây, BHXH Việt Nam đã triển khai Cổng thông tin điện tử phiên bản nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ trong việc mở rộng thực hiện các giao dịch điện tử và cung cấp thông tin về BHXH, BHYT. Cổng thông tin điện tử đáp ứng được yêu cầu là điểm truy cập duy nhất của BHXH Việt Nam trên môi trường internet, cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động, chủ trương, chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, liên kết với trang thông tin điện tử của BHXH tại tất cả các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, BHXH Việt Nam triển khai hàng loạt hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành, như: Hệ thống giao dịch BHXH điện tử; Hệ thống thông tin giám định BHYT; Hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình...

Bảo đảm an toàn thông tin

Luật BHXH năm 2014 có quy định về “Hiện đại hóa quản lý BHXH”, đặt ra yêu cầu đến năm 2020 phải hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước. Mục tiêu đặt ra đến hết năm 2018 là cơ bản hoàn thành hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ. Với một số ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhân sự, tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung…, ngành đã có kế hoạch triển khai trong thời gian tới.

Bên cạnh những lợi ích to lớn mà hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đem lại, BHXH Việt Nam nhận thức được thách thức và nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin khi thực hiện các thủ tục hành chính công qua mạng. Về vấn đề này, ông Lê Anh Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, công tác an toàn thông tin cần được bảo đảm trên cả 4 yếu tố: Nhận thức, nguồn nhân lực, quy trình và trang thiết bị. Chính vì vậy, ngoài việc tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mỗi công chức, viên chức về an toàn, an ninh thông tin, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lĩnh vực này, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế - ISO 27001. Việc theo dõi, phân tích, cảnh báo nguy cơ mã độc, lỗ hổng, sự cố an toàn thông tin, kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn thông tin tổng thể cho hệ thống công nghệ thông tin là công việc được chú trọng đặc biệt.

Quản lý kho dữ liệu quý liên quan tới 92 triệu người và 24 triệu hộ gia đình tham gia các loại hình bảo hiểm, BHXH Việt Nam sẵn sàng chia sẻ cơ sở dữ liệu với các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, theo ông Phạm Lương Sơn, để thực hiện điều này cần có quy chế phối hợp rõ ràng, chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để việc chia sẻ đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm an toàn thông tin. BHXH Việt Nam đề xuất kết nối các bộ, ngành đang được giao xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, sớm xây dựng trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông cấp quốc gia.

http://www.hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/883084/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-cai-cach-hanh-chinh

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.