Header Ads

Tỉ phú Jack Ma: ‘Xã hội không tiền mặt đang tới gần’


Diễn đàn Thanh toán điện tử năm 2017 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 6-11 thu hút được sự chú ý của giới doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi có sự xuất hiện của tỉ phú người Trung Quốc, ông Jack Ma - chủ Tập đoàn thương mại điện tử nổi tiếng Alibaba.
“Mất 1 triệu USD, đền 1 triệu USD”
Mở đầu câu chuyện của mình, ông Jack Ma cho biết hai ngày qua ở Hà Nội, ông xuống phố và cảm nhận giới trẻ Việt có rất nhiều tiền, giàu hơn ông ngày xưa. Đặc biệt giới trẻ Việt Nam thích dùng smartphone.
“Tỉ lệ dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn quá lớn. Làm sao mà có thể bỏ được nhiều tiền như thế trong cái ví. Có 54% dân số ở Việt Nam dùng điện thoại di động rồi, không có lựa chọn nào khác khi xã hội phi tiền mặt đang tới gần. Thay vì dùng tiền mặt, chỉ cần dùng điện thoại di động với công nghệ nhân trắc học sẽ an toàn, dễ dàng lần ra hành vi lừa đảo (nếu có) vì tất cả dữ liệu giao dịch đều được ghi chép lại” - ông Jack Ma nói.
Vị tỉ phú này cũng nhớ lại cách đây 14 năm khi ông có ý tưởng lập ra AliPay. Ban đầu có nhiều người cảnh báo rằng ông sẽ không thành công khi đa số người dân Trung Quốc thích dùng tiền mặt.
“Có người nói Jack ơi sao mà làm được vì Trung Quốc không có thẻ tín dụng, khó làm lắm, họ phải xem tận mắt mới mua, mới tin. Khi đó tôi nói với các đồng sự rằng các bạn cứ làm đi, nếu AliPay thất bại tôi sẽ đi tù đầu tiên. Như vậy, câu chuyện rút ra là muốn làm là làm được, nếu không muốn làm thì cũng có cả triệu lý do để không làm. Bây giờ 60% dân số Trung Quốc sử dụng thanh toán điện tử để mua sắm, du lịch...” - vị tỉ phú nhớ lại.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đặt câu hỏi: “Làm gì để tăng niềm tin của người dùng đối với thanh toán điện tử?”. Tỉ phú người Trung Quốc Jack Ma đáp: “Alibaba khi đó cam kết nếu các bạn mất tiền là tôi sẽ đền lại. Nếu quý vị mất 1 USD thì tôi sẽ đền 1 USD, mất 1 triệu USD sẽ đền 1 triệu USD. Ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ mọi việc đều đang rất khả quan, hứa hẹn nên cần động viên để các doanh nghiệp làm được. Bởi nếu để tiền mặt trong ví sẽ dễ tạo cơ hội cho lừa đảo, tham nhũng, bị móc túi... Còn nếu không dùng ví, những kẻ móc túi sẽ thất nghiệp hết” - ông ví von.
Tỉ phú Jack Ma: ‘Xã hội không tiền mặt đang tới gần’ - ảnh 1
Tỉ phú Jack Ma: “Ở Alibaba, chúng tôi dành nhiều thời gian để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nền tảng của văn hóa chính là chữ tín”. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Hãy bắt đầu bằng cái nho nhỏ
Ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Nhà nước, hiện là tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng đặt câu hỏi: Dưới sự thống trị của một số công ty công nghệ hàng đầu, liệu còn dư địa đất sống cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và startup hay không?
Tỉ phú Jack Ma trả lời: “Các bạn hãy quên câu nói nếu tôi có nhiều tiền tôi sẽ thành công đi. Vấn đề đầu tiên là ý tưởng, tôi có thể làm điều người khác không làm được. Nếu có ý tưởng tốt, tuyệt vời, tiền mới phát huy.
Tỉ phú châu Á nói tiếp: “Chúng ta có thể phải đi vay tiền, nếu không vay được có thể cũng là vấn đề vì họ không tin ta. Ngân hàng cũng vậy, họ phải thăm dò. Các bạn là doanh nhân mà chưa có ai giúp cũng là bình thường thôi. Nếu họ giúp ngay mới là không bình thường. Không cần làm gì to ngay đâu, bắt đầu bằng cái nho nhỏ, thú vị, có tình yêu trong đó. Dần dần mọi thứ sẽ lớn”.
Một điều được Jack Ma nhấn mạnh chính là thủ tục hành chính cũng cần cải thiện một cách nhanh nhất có thể. Ông nói: “Hãy để doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ phải lo thủ tục hành chính trong vòng một phút thôi. Chứ không thể thủ tục hành chính “lên xuống, xin cho”. Chính phủ cần tạo ra không gian để làm sao tinh thần doanh nhân, kinh doanh dễ dàng”.
Jack Ma cũng cho biết khi còn trẻ, ông cũng hay kêu ca mấy ông này ông kia lấy hết cơ hội của tôi rồi. “Đừng nghĩ như vậy, các bạn cần học từ những người xung quanh. Chúng ta sẽ thấy cơ hội lớn lao vẫn còn cho rất nhiều người” - ông tâm tình.
Jack Ma là người đứng đầu danh sách các tỉ phú ở châu Á với khối tài sản đạt 39,6 tỉ USD. Ông cũng là người giàu thứ hai ở Trung Quốc. 
“Chúng ta phải đi trước, phải đi nhanh hơn”
Tại diễn đàn, ông Thomas Ko, Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung toàn cầu, Giám đốc Samsung Pay toàn cầu, kể về câu chuyện của bản thân rằng trước khi ông sang Việt Nam, con gái của ông hỏi nếu sang Việt Nam bố sẽ ăn phở chứ. Ông nói chắc chắn sẽ như vậy. Tuy nhiên, khi đi ăn phở sẽ phải mang ví, bởi phải thanh toán bằng tiền mặt. Nếu phải cầm cả ví, cả điện thoại thì sẽ rất bất tiện.
“Bài toán của Samsung làm cho mọi việc đơn giản hơn. Cụ thể với ứng dụng Samsung Pay, khách hàng có thẻ ATM nội địa, Visa không cần mang theo thẻ vẫn thanh toán được tại các nhà hàng, cửa hàng, địa điểm có máy POS. Hiện tại ứng dụng này đang áp dụng với một số ngân hàng như BIDV, VietinBank, Sacombank…” - ông Thomas Ko nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận trên thế giới thanh toán di động (mobile payment) đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp, thay đổi thói quen dùng tiền mặt như hiện tại.
“Thế giới ngày nay, thế giới của công nghệ và sáng tạo thì một nước đi sau có thể có lợi thế hơn nhưng với điều kiện là phải đi trước. Chúng ta phải đi trước, phải đi nhanh hơn với nền tảng Internet và điện thoại di động rộng khắp. Chỉ có đi trước thì những nước đi sau mới thay đổi được thứ hạng. Đi trước đầu tiên phải là tạo môi trường cho cái mới. Chính phủ kiến tạo của chúng ta cam kết điều đó” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Huệ cũng tin tưởng rằng thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước.
http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-kinh-te/ti-phu-jack-ma-xa-hoi-khong-tien-mat-dang-toi-gan-737961.html

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.