Header Ads

Thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ tại Việt Nam



Sáng 6-11, Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 (VEPF) chính thức khai mạc tại Hà Nội. Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đây là năm thứ 3 liên tiếp VEPF được tổ chức.

VEPF 2017 với chủ đề bao trùm là “Mobile Payment - nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt” tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung hướng tới phát triển hệ sinh thái cho thanh toán không dùng tiền mặt Việt Nam thông qua 3 phiên thảo luận chính: sự bùng nổ của Mobile payment trên thế giới và xu hướng tại Việt Nam; phát triển hệ sinh thái cho hoạt động thanh toán di động ở Việt Nam; đối thoại về thanh toán điện tử trong thương mại điện tử cùng tỷ phú Jack Ma - Chủ tịch Tập đoàn Alibaba.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của điện thoại thông minh (smart phone) đã thay đổi cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng.
Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, đến nay tại Việt Nam có 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt trên 423.000 tỷ đồng.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thanh toán di động đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp. Sự xuất hiện của mobile payment đã giúp cộng đồng thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ tại Việt Nam ảnh 2Thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ tại Việt NamHiện nay, Việt Nam có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quân huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng SmartPhone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả các nhóm dân cư ở Việt Nam, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như hiện tại.
Theo số liệu thống kê mới đây, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet. Đây là điều kiện thuận lợi để hoạt động thanh toán trên thiết bị di động (mobile payment) tạo bước đột phá giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện ở Việt Nam. 
Tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, các công ty khởi nghiệp tài chính điện tử (Fintech) cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với số lượng lớn người lao động, bình thường vốn ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tài chính truyền thống. 
"Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước."- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. 
Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thế giới ngày nay, thế giới của công nghệ và sáng tạo, thì một nước đi sau có thể có lợi thế hơn.
"Chúng ta phải đi trước, phải đi nhanh hơn với nền tảng Internet và điện thoại di động rộng khắp. Chỉ có đi trước thì những nước đi sau mới thay đổi được thứ hạng. Đi trước đầu tiên phải là tạo môi trường cho cái mới. Chính phủ kiến tạo của chúng ta cam kết điều đó” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói. 
Trên cơ sở đó Chính phủ đã có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam. Cụ thể là sẽ thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp (cả bên cung cấp và sử dụng dịch vụ thanh toán), các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm hiểu các rào cản và cùng đề ra giải pháp.
Chính phủ cũng cam kết phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên thực tế để đảm bảo lợi ích có thể đến được với đại đa số người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy việc cập nhật, thông qua khuôn khổ pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết để tạo thuận lợi, quảng bá cho thanh toán di động nói riêng và các dịch vụ công nghệ tài chính, thương mại điện tử nói chung.
Trong khuôn khổ sự kiện, VEPF 2017 đón khách mời đặc biệt là tỷ phú Jack Ma - Chủ tịch Tập đoàn Alibaba - hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Tại diễn đàn, ông Jack Ma có một phiên đối thoại xoay quanh những kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc và câu chuyện toàn cầu hoá của nền tảng thương mại lớn nhất thế giới Alibaba. 

http://www.sggp.org.vn/pho-thu-tuong-vuong-dinh-hue-thanh-toan-di-dong-se-nhanh-chong-bung-no-tai-viet-nam-480529.html

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.