Header Ads

Sếp FPT: “Nhiều người cho rằng việc ra đời thêm luật An ninh mạng nữa có vẻ thừa”



Ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT cho rằng, Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng trong tiếng Anh có chung một cụm từ “Cyber Security”. Việc ra đời thêm luật An ninh mạng nữa có vẻ thừa, chồng chéo và gây khó hiểu cho cả Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Trên trang thông tin của FPT, ông Đỗ Cao Bảo viết, trong những ngày vừa qua, chủ đề "Yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ Viễn thông, Internet nước ngoài ở Việt Nam phải đặt máy chủ ở Việt Nam" trong dự thảo "Luật An ninh mạng" đang gây tranh cãi cả trên mạng, trên báo giấy lẫn trên diễn đàn Quốc hội. Phó Tổng giám đốc của FPT cho rằng, đây là luật khó hiểu cho lòng người.
“Cách đây 2 năm, ngày 19/11/2015, Quốc hội đã thông qua "Luật An toàn An ninh thông tin mạng". Đúng 2 năm sau, Quốc hội lại đang thảo luận về một luật khác có tên "Luật An ninh mạng". Về tên gọi tiếng Việt thì cả hai luật cùng là An ninh mạng, nhưng luật đã ban hành, đang có hiệu lực nhiều hơn 2 chữ "An toàn" và "Thông tin", còn trong tiếng Anh hình như cả hai luật đều có chung một cụm từ duy nhất Cyber Security. Thế nên nhiều người cho rằng việc ra đời thêm Luật An ninh mạng nữa có vẻ thừa, chồng chéo và gây khó hiểu cho người dân Việt Nam và cho cộng đồng quốc tế”, ông Đỗ Cao Bảo viết.
Trao đổi tại hội thảo góp ý “Hoàn thiện dự án Luật An ninh mạng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 9/10 vừa qua, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) bày tỏ, Hiệp hội này ủng hộ mục tiêu của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển của Internet và nền kinh tế kỹ thuật số, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin và bảo vệ người sử dụng Internet.
Tuy nhiên, phía AmCham cho rằng dự thảo Luật còn nhiều điểm như sự thiếu rõ ràng và trách nhiệm mà các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện có thể cản trở tính sáng tạo, đổi mới trong hoạt động cung cấp dịch vụ Internet. Và trên quy mô rộng hơn có thể cản trở sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam. Những yêu cầu liên quan đến lưu trữ dữ liệu có nguy cơ làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đối với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cũng theo ông Adam Sitkoff, Dự thảo Luật có thể không nhất quán với những cam kết WTO. Việc áp dụng những quy trình, thủ tục thẩm định không rõ ràng có thể tạo ra rào cản kỹ thuật không cần thiết trong hoạt động thương mại hoặc sự thiếu nhất quán giữa quy định trong nước và cam kết của Việt Nam tại WTO.
“Theo khuyến nghị của chúng tôi, Chính phủ Việt Nam nên rà soát lại những quy định trong Dự thảo Luật và điều chỉnh cho phù hợp hơn với thông lệ quốc tế”, ông Adam Sitkoff nói, đồng thời bày tỏ quan điểm hoan nghênh sự xóa bỏ các điều khoản áp đặt hình sự đối với việc không tuân thủ Dự thảo Luật. Tuy nhiên, Dự thảo Luật vẫn đề cập đến khả năng bị truy tố trách nhiệm hình sự, cần có sự rõ ràng những điều khoản nào có thể làm phát sinh trách nhiệm hình sự. 
Phát biểu tại tọa đàm khoa học “Dự thảo Luật An ninh mạng và tác động đến các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông và nội dung số: Đánh giá và kiến nghị chính sách” mới đây, ông Nguyễn Quang Đồng - đại diện nhóm nghiên cứu Viện IPS của Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, qua quá trình nghiên cứu, ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và thực hiện rà soát lại quy định của các luật, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, với dự thảo Luật An ninh mạng, sẽ có một số khó khăn về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số, truyền thông, công nghệ. Cụ thể là, có một số trùng lặp giữa quy định tại dự thảo Luật An ninh mạng với Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội ban hành năm 2015, cũng như các đầu mối cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan; tính thiếu rõ ràng và rủi ro trong pháp quyền cả với doanh nghiệp và người dùng; một số các quy định tại dự thảo Luật An ninh mạng theo doanh nghiệp phản ánh là gần như bất khả thi; và một số lỗ hổng an toàn thông tin cá nhân trong hệ thống luật hiện nay.
Ông Đồng cho hay: “Các doanh nghiệp đề xuất các cơ quan soạn thảo cần ngồi lại với nhau, làm tốt hơn công tác rà soát các quy định. Bởi nếu một Luật được ban hành sau nhưng lại “dẫm chân” lên các luật đã ban hành trước sẽ làm cho doanh nghiệp rất lúng túng khi thực thi”.
Tuy nhiên, ở góc độ của đơn vị xây dựng dự án Luật An ninh mạng, ông Nguyễn Văn Thỉnh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng - Bộ Công an lại khẳng định, Ban soạn thảo dự án Luật này đã nghiên cứu rất kỹ. Và chính theo đánh giá của Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật An ninh mạng) cũng nhận định rằng có sự giao thoa giữa dự án Luật này với Luật An toàn thông tin mạng nhưng hoàn toàn không có sự trùng lặp xung đột. “Tôi cho rằng chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn. Tất nhiên có sự giao thoa, nhưng chủ đạo vẫn là sự liên kết giữa các văn bản luật để làm tốt hơn công tác quản lý”, ông Thỉnh một lần nữa nhấn mạnh.
http://ictnews.vn/cntt/bao-mat/sep-fpt-nhieu-nguoi-cho-rang-viec-ra-doi-them-luat-an-ninh-mang-nua-co-ve-thua-161639.ict

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.