Phát triển nông nghiệp ở Hà Nội: Đòn bẩy từ khoa học - công nghệ
Thời gian qua, Hà Nội chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh trạnh của nông sản Thủ đô. Bên cạnh đó, nhờ tăng cường liên kết 4 nhà đã hình thành nhiều vùng, chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa lớn, giá trị kinh tế cao.
Có 89 mô hình ứng dụng công nghệ cao
Tại Hội nghị Tăng cường ứng dụng KHCN phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa giá trị cao và bền vững, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng khẳng định, Hà Nội là địa phương có số lượng lớn trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, có đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia lớn nhất cả nước. Với những lợi thế đó, Hà Nội có thể phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sáng tạo và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước; đồng thời cung cấp nông sản sạch phục vụ nhu cầu nhân dân Thủ đô với hơn 10 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc, và tiến tới xuất khẩu.
|
Năm 2016, TP Hà Nội cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa với hơn 78,7ha và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân. Đây là tiền đề để Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc.
Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Nguyễn Xuân Đại cho hay, nhờ áp dụng KHCN, trên địa bàn TP đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, giá trị kinh tế cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay đạt 25%. Đã có 89 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phân bổ ở 100% huyện, thị xã; 56 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp; giá trị trung bình sản phẩm nông nghiệp đạt 239 triệu đồng/ha trở lên; các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho năng suất cao hơn mô hình truyền thống từ 10 - 12% và hiệu quả kinh tế tăng từ 25 - 28%.
Được biết, Sở NN - PTNT đã chỉ đạo ứng dụng thành công kết quả nghiên cứu KHCN, đưa vào sử dụng giống cây, con mới có năng suất cao, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Cụ thể: Các nghiên cứu về rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng hoa, trồng nấm trong nhà lưới, nhà kính, phương pháp thủy canh; nhiều giống gia súc, gia cầm như bò 3B, lợn siêu nạc, vịt siêu trứng đã được chọn lọc và thích nghi với điều kiện sản xuất trong nước. Đặc biệt, TP đã khánh thành Trung tâm Sản xuất tinh bò ứng dụng công nghệ cao tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, mô hình công ty Ba Huân chế biến trứng gia cầm tại huyện Phúc Thọ; nghiên cứu thành công một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, chi phí thấp, hiệu quả và an toàn thực phẩm như cá chép lai, rô phi đơn tính, trắm đen, lăng chấm, ốc nhồi, chạch bùn. Bên cạnh đó, phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm, rạ, thân ngô cũng được nghiên cứu để sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, nhiên liệu sinh học, thức ăn gia súc có giá trị cao, bảo vệ môi trường.
Tăng cường liên kết “4 nhà”
Đến nay, TP Hà Nội cũng đã xây dựng, quản lý và phát triển trên 20 nhãn hiệu tập thể như: Khoai lang Đồng Thái (huyện Ba Vì), Bưởi tôm vàng (huyện Đan Phượng), Nhãn chín muộn (huyện Hoài Đức)… Hầu hết sản phẩm sau khi được xây dựng nhãn hiệu đều mang lại hiệu quả rõ rệt về số lượng và giá trị. Đơn cử như nhãn chín muộn huyện Hoài Đức cho giá trị khoảng 700 triệu đồng/ha, rau hữu cơ huyện Sóc Sơn cho giá trị trên 1 tỷ đồng/ha.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội đang gặp khó khăn nhất định. Đó là: Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng chưa hiện đại và thiếu đồng bộ; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu về trình độ khoa học - kỹ thuật cũng như quản lý; nguồn lực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn; đồng thời, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.
Theo Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Nguyễn Xuân Đại, để tháo gỡ những khó khăn đó thì nâng cao hiệu quả liên kết “4 nhà” là một trong những giải pháp quan trọng. Sở NN - PTNT cùng với Sở KH - CN sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan để rà soát, đề xuất triển khai các chính sách do Trung ương ban hành và tham mưu để UBND TP tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực để khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân tích cực tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Định hướng của TP Hà Nội đến năm 2020 là đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, muốn thực hiện được mục tiêu đó, Hà Nội cần thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp; các huyện, thị xã cần tích cực thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, giải quyết vấn đề tích tụ đất đai và vốn trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Sở KH - CN, Sở NN - PTNT cần tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ kỹ thuật và quản lý từ TP đến cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về KHCN, hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp ứng dụng KHCN cao vào sản xuất giống cây con, bảo quản và chế biến nông sản.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho rằng, liên kết 4 nhà sẽ là động lực quan trọng để Hà Nội thực hiện thành công hơn nữa việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đặc biệt, trong sản xuất, cần chú trọng bảo vệ môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học, để sản xuất nông nghiệp không chỉ tăng về chất và lượng, mà còn bảo đảm tính bền vững.
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=82&NewsId=398139
Post a Comment