Lo ngại doanh nghiệp nội dung số gặp khó với quy định tại dự thảo Luật An ninh mạng
Ngày 21/11/2017, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) - Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Tạp chí Tia sáng - Bộ KH&CN tổ chức tọa đàm khoa học “Dự thảo Luật An ninh mạng và tác động đến các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông và nội dung số: Đánh giá và kiến nghị chính sách”.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đang được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV vừa qua và dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ năm sẽ diễn ra vào tháng 5/2018.
Gồm 8 Chương với 55 Điều, dự thảo 14 của Luật An ninh mạng quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng áp dụng của Luật này là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động trên không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đại diện Hội Truyền thông số Việt Nam đề nghị các đại biểu tham gia tọa đàm trong quá trình thảo luận, sẽ làm rõ được khái niệm “an ninh mạng”. Bởi lẽ, mặc dù trong dự thảo Luật An ninh mạng cũng đã đề ra, tuy nhiên nội hàm khái niệm này đâu đó vẫn còn chồng lấn với một số khái niệm khá gần khác như an toàn thông tin, an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin, an toàn mạng.
Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam mong muốn các đại biểu dự tọa đàm chỉ ra được những nội dung còn trùng lặp hoặc chồng chéo, mâu thuẫn với Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2015; đồng thời xem xét đến tính thực thi của các quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng, nhất là những quy định mới.
Nhấn mạnh Luật An ninh mạng là một bộ luật quan trọng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn sau buổi tọa đàm khoa học này, Hội sẽ tổng hợp các ý kiến để có thể góp tiếng nói có trách nhiệm đối với việc hoàn thiện dự thảo Luật An ninh mạng.
Lo ngại có sự chồng chéo, trùng lặp giữa các luật
Tại buổi tọa đàm, trong tham luận về nghiên cứu “Khuôn khổ pháp lý an ninh mạng của Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Đồng - đại diện nhóm nghiên cứu Viện IPS của Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, sau khi dự thảo Luật An ninh mạng được công bố, không chỉ giới chuyên gia, báo chí mà cả cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông, nội dung số cũng rất quan tâm đến những vấn đề được đề cập trong dự thảo.
“Bởi lẽ, các vấn đề an ninh mạng đang rất nóng. Từ năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM), hiện có thêm dự thảo Luật An ninh mạng. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp, những người trực tiếp làm về công nghệ, truyền thông, nội dung số rất quan tâm việc có trùng lặp gì không giữa dự thảo Luật An ninh mạng với Luật ATTTM? Sẽ tác động đến doanh nghiệp họ như thế nào?”, ông Đồng chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Đồng, đại diện nhóm nghiên cứu Viện IPS của Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ về nghiên cứu “Khuôn khổ pháp lý an ninh mạng của Việt Nam” tại tọa đàm.
|
Theo ông Đồng, quá trình tiến hành nghiên cứu, ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và thực hiện rà soát lại quy định của các luật, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, với dự thảo Luật An ninh mạng, sẽ có một số khó khăn về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số, truyền thông, công nghệ.
Cụ thể là, có một số trùng lặp giữa quy định tại dự thảo Luật An ninh mạng với Luật ATTTM đã được Quốc hội ban hành năm 2015, cũng như các đầu mối cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan; tính thiếu rõ ràng và rủi ro trong pháp quyền cả với doanh nghiệp và người dùng; một số các quy định tại dự thảo Luật An ninh mạng theo doanh nghiệp phản ánh là gần như bất khả thi; và một số lỗ hổng an toàn thông tin cá nhân trong hệ thống luật hiện nay.
Minh chứng cho nhận định đang có sự trùng lặp giữa dự thảo Luật An ninh mạng với Luật ATTTM, ông Đồng lấy ví dụ một quy định khiến doanh nghiệp lo ngại nhiều, đó là Điều 16 dự thảo Luật An ninh mạng quy định “Đánh giá hợp chuẩn, hợp quy về an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”.
“Doanh nghiệp lo ngại hiện trong Luật ATTTM đã có những quy định về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; giờ dự thảo Luật An ninh mạng lại có thêm các yêu cầu về hợp chuẩn, hợp quy. Vậy doanh nghiệp sẽ phải theo quy định nào? Đầu mối thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo Luật ATTTM được giao về cho Bộ TT&TT. Trong khi ở dự thảo Luật An ninh mạng, đầu mối chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy về an ninh mạng là Bộ Công an. Các doanh nghiệp lo lắng rằng liệu họ sẽ gặp vấn đề gì trong quá trình làm thủ tục hành chính, họ sẽ phải liên hệ với đầu mối nào để được giải quyết. Và giả sử khi các đầu mối có những xung đột ý kiến với nhau thì sẽ theo hướng dẫn từ cơ quan, đơn vị nào?”, ông Đồng nêu.
Bên cạnh đó, ông Đồng cũng điểm ra một số điểm trùng lặp khác giữa dự thảo Luật An ninh mạng với Luật ATTTM theo kết quả rà soát, so sánh được nhóm nghiên cứu thực hiện như: định nghĩa, phạm vi điều chỉnh, điều kiện kinh doanh, ứng cứu sự cố toàn thông tin mạng…
Ông Đồng cho hay: “Các doanh nghiệp đề xuất các cơ quan soạn thảo cần ngồi lại với nhau, làm tốt hơn công tác rà soát các quy định. Bởi nếu một Luật được ban hành sau nhưng lại “dẫm chân” lên các luật đã ban hành trước sẽ làm cho doanh nghiệp rất lúng túng khi thực thi”.
Lo ngại có sự trùng lặp, chồng chéo giữa dự án Luật An ninh mạng với Luật ATTTM năm 2015 cũng là băn khoăn chung của nhiều đại biểu góp mặt tại buổi tọa đàm do Hội Truyền thông số tổ chức chiều nay, ngày 21/11.
Ông Nguyễn Văn Thỉnh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng - Bộ Công an, thành viên Ban soạn thảo dự án Luật An ninh mạng trao đổi tại tọa đàm được tổ chức ngày 21/11/2017.
|
Tuy nhiên, ở góc độ của đơn vị xây dựng dự án Luật An ninh mạng, ông Nguyễn Văn Thỉnh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng - Bộ Công an lại khẳng định, Ban soạn thảo dự án Luật này đã nghiên cứ rất kỹ. Và chính theo đánh giá của Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật An ninh mạng) cũng nhận định rằng có sự giao thoa giữa dự án Luật này với Luật ATTTM nhưng hoàn toàn không có sự trùng lặp xung đột. “Tôi cho rằng chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn. Tất nhiên có sự giao thoa, nhưng chủ đạo vẫn là sự liên kết giữa các văn bản luật để làm tốt hơn công tác quản lý”, ông Thỉnh một lần nữa nhấn mạnh.
http://ictnews.vn/cntt/bao-mat/lo-ngai-doanh-nghiep-noi-dung-so-gap-kho-voi-quy-dinh-tai-du-thao-luat-an-ninh-mang-161411.ict
Post a Comment