Header Ads

Hỗ trợ doanh nghiệp nội tạo ra các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin


Hôm nay, 8/11/2017, tại Hà Nội, Ban Điều hành triển khai Quyết định 898 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm ATTT mạng giai đoạn 2016 - 2020 (Ban Điều hành 898) tổ chức Hội nghị về sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa và đánh giá tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại tại Việt Nam.
Ban điều hành 898 được thành lập tháng 6/2017 do Bộ TT&TT chủ trì với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhằm mục đích đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn công tác bảo đảm ATTT mạng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban điều hành 898 cho biết, theo tinh thần Quyết định 898 của Thủ tướng Chính phủ, một nội dung quan trọng là làm thế nào để có giải pháp hỗ trợ các sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa.
Thứ trưởng nhấn mạnh, tình hình mất ATTT gia tăng do xu thế tấn công mạng ngày càng quyết liệt, với hình thức, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phạm vi cũng rộng hơn. Theo chia sẻ của Thứ trưởng: tại hội nghị tổ chức ở Singapore vừa qua ông có tham dự cùng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh không gian mạng lần thứ hai và Tuần lễ không gian mạng quốc tế Singapore 2017 diễn ra hồi trung tuần tháng 9/2017 - PV), các đại biểu, chuyên gia đã đề cập nhiều đến các nguy cơ mất ATTT mạng, đặc biệt theo các chuyên gia thì hình thức tấn công mạng theo kiểu chiến tranh mạng đã bắt đầu phổ biến.
Đồng thời, Thứ trưởng chỉ rõ, tình hình lây nhiễm mã độc tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Qua thống kê của Cục ATTT trong 3 năm từ 2014 - 2016, tỷ lệ lây nhiễm mã độc trên máy tính cá nhân tại Việt Nam đều trên 63%. “Tôi mong muốn hội nghị sẽ bàn cách làm thế nào để khuyến khích được các doanh nghiệp, đơn vị làm về ATTT tham gia đánh giá, bóc gỡ mã độc; nhưng mặt khác cũng làm thế nào để thời gian tới chúng ta tạo lập được một thị trường trong đó các sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa có vị trí, vai trò. Thực tế hiện nay, qua đánh giá, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ ATTT đa phần đều của nước ngoài… Nếu chúng ta có các sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa thì chắc chắn sự tin tưởng sẽ cao hơn”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho hay, một số người cho rằng chúng ta có tâm lý sính ngoại, thích mua các sản phẩm nước ngoài. Đó cũng là thực tiễn bởi các sản phẩm, dịch vụ nước ngoài tốt, kiểm chứng hơn, trong khi các sản phẩm, dịch vụ ATTT trong nước ít về số lượng và chất lượng còn hạn chế. "Tuy nhiên, nếu chúng ta không có biện pháp để khuyến khích, thúc đẩy thì không bao giờ có được các sản phẩm, dịch vụ được người dùng tin tưởng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta có chính sách hữu hiệu khuyến khích thúc đẩy, tạo dựng được hệ sinh thái mà trong đó các doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập các sản phẩm, dịch vụ ATTT”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Khẳng định nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ ATTT đang rất lớn, Thứ trưởng cho biết, nếu thực hiện đầy đủ các quy định trong Luật ATTT mạng, thời gian tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có rất nhiều việc phải làm để xây dựng các phương án bảo đảm ATTT cho các hệ thống thông tin. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng: “Với tình hình nhân lực như hiện nay sẽ khó có những giải pháp để bảo vệ một cách đầy đủ theo yêu cầu như tinh thần của Luật ATTT mạng, nếu như không có sự tham gia tích cực của khối doanh nghiệp làm ATTT trong nước. Mặt khác, nếu chúng ta bỏ tiền ra mua giải pháp ATTT nước ngoài thì chắc cũng không thể đáp ứng”.
Thứ trưởng cho biết, quan điểm của Bộ TT&TT là làm thế nào tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp trong nước có cơ hội để tham gia, hỗ trợ xây dựng các phương án tạo ra các sản phẩm dịch vụ bảo đảm ATTT.
“Tôi khẳng định rằng, nếu không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thì chắc chắn nhà nước sẽ không thể đảm bảo được các công tác ATTT, an ninh mạng. Hội nghị hôm nay cần bàn thẳng thắn xem Nhà nước phải làm gì, tạo nên sự tin cậy gì đối với thế giới về ATTT. Mục đích là làm sao để trong thời gian ngắn chúng ta có được những sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa phục vụ ngay nhu cầu của chúng ta, qua đó việc bóc dỡ mã độc cũng hữu hiệu”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Hội nghị về sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa và đánh giá tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại tại Việt Nam nhằm trao đổi, thảo luận về công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa cũng như đánh giá tình hình, thực trạng lây nhiễm phần mềm độc hại tại Việt Nam.
Có sự tham gia của cơ quan chuyên môn về ATTT, các đơn vị chuyên trách về ATTT, CNTT của các bộ, ngành Trung ương, Sở TT&TT một số tỉnh, thành phố; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, hội nghị về sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa và đánh giá tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại tại Việt Nam đã trao đổi, thảo luận về công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa cũng như đánh giá tình hình, thực trạng lây nhiễm phần mềm độc hại tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp, biện pháp xử lý phù hợp với thực tiễn nước ta.
Trao đổi tại hội nghị, đại diện Cục ATTT - cơ quan thường trực Ban điều hành 898 cho biết, Quyết định 898 ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính đã đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là phát triển tối thiểu 5 sản phẩm ATTT thương hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến tại thị trường trong nước; doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò chủ đạo tại thị trường dịch vụ ATTT trong nước.
Triển khai nhiệm vụ này, Bộ TT&TT đã giao Bộ TT&TT xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa. Đề án này cùng với “Đề án nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại, cải thiện mức độ tin cậy của quốc gia tỏng hoạt động giao dịch điện tử theo hướng xã hội hóa” hiện đã được Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
http://ictnews.vn/cntt/bao-mat/ho-tro-doanh-nghiep-noi-tao-ra-cac-san-pham-dich-vu-an-toan-thong-tin-160907.ict

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.